Gian nan cuộc chiến chống phân bón giả
Nhóm doanh nghiệp phân bón bứt phá | |
Vẫn nan giải nạn phân bón kém chất lượng |
Thiệt hại lớn cho DN và người dân
Ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển cho hay, phân bón giả kém chất lượng, làm mất thị phần, mất uy tín của DN. Chúng ta có thể chống phân bón giả, nhưng chúng ta chưa thể chống được phân bón thật nhưng chất lượng giả.
Phân bón giả, kém chất lượng diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua |
Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, nhưng tại sao nhiều vụ lớn về sản xuất phân bón giả được phanh phui lại dần dần “chìm xuồng”, dù cho các hiệp hội vào cuộc lên tiếng rất nhiều. Chúng ta chống phân bón nhái, kém chất lượng chẳng khác gì chúng ta đang chống “cối xay gió”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cho biết, DN lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón này rất ít, các DN này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý.
Với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các DN làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những loại phân bón này. Bên cạnh đó, do chưa có bảo hộ đăng ký nhãn hiệu bao bì độc quyền vỏ bao bì mà mới có độc quyền về lô gô, nên DN nhái bao bì tương tự khiến người dân nhầm lẫn.
Không chỉ thiệt hại cho các DN sản xuất chân chính, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
DN thường lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, DN còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác…
Pháp luật còn nhiều kẽ hở
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác chiếm phần còn lại. Dù quan trọng và cần thiết như vậy, nhưng trong thời gian qua, việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập khiến tình hình phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Trong năm 2016, các cơ quan hữu quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỷ USD/năm. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.
Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Năm 2015 là trên 4000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5000 vụ vi phạm. Trong đó nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho rằng, chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả. Qua nhiều lần tham gia cùng lực lượng chức năng xuống địa bàn, thấy báo động vấn đề đạo đức người thực thi luật pháp ở địa phương.
Cụ thể, khi đi cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, có điều lạ lùng là khi xuống địa phương các chủ DN có trong danh sách bị kiểm tra đã trốn hết. Vậy ai là người báo cho DN? ông Phạm Ngọc Hùng đặt câu hỏi.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm, theo luật thì khi đã bị xử phạt hành chính một lần mà vẫn tái phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự. Mức phạt hành chính hiện nay là 500 triệu đồng. Tuy vậy, với mức phạt này mà sau đó DN vẫn thực hiện được các hành vi đó để kiếm lợi nhuận thì có nhiều DN cũng sẵn sàng mỗi năm chịu phạt 1 - 2 lần.
Để quản lý chặt chẽ ngành phân bón, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Công Nông nghiệp Tiến Nông cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có công cụ để kiểm soát xem trên thị trường hiện nay có bao nhiêu DN và cơ sở sản xuất phân bón, bao nhiêu nhãn mác phân bón sản xuất và lưu thông trên thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi DN sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên chứ không phải chỉ có 500 triệu như hiện nay.