Nhóm doanh nghiệp phân bón bứt phá
Phân bón tìm đường cạnh tranh | |
Triển vọng ngành phân bón năm 2017 | |
Chính sách thuế đối với ngành phân bón: Nhiều chuyển động |
Hướng đến một ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là mục tiêu Việt Nam đang theo đuổi. Kèm theo đó là gia tăng nhu cầu về các loại phân bón có chất lượng cao, có thể mang lại nhiều cơ hội kinh doanh khả quan cho nhóm các DN phân bón.
Sau một năm gặp khó khăn do thời tiết khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của hầu hết các DN phân bón niêm yết khá tích cực. Điển nhìn như Công ty phân bón Bình Điền ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 24% so với cùng kỳ năm trước khi đạt giá trị 253 tỷ đồng, Đạm Cà Mau ghi nhận lãi ròng gần 530 tỷ đồng và hoàn thành được đến 83% kế hoạch năm. Riêng Đạm Phú Mỹ lại ghi nhận lãi ròng sụt giảm đến 42% so với cùng kỳ năm trước do không kiểm soát được chi phí tăng cao.
Triển vọng trong nửa cuối năm 2017 của nhóm ngành phân bón được các chuyên gia đánh giá khá lạc quan, nhất là công ty đầu ngành, sở hữu thương hiệu tốt và có công nghệ hiện đại.
Theo Công ty Chứng khoán FPTS, giá phân bón thế giới sau khi chạm đáy vào năm 2016 với mức giá thấp nhất trong 10 năm qua đã có dấu hiệu phục hồi trong năm nay, kéo giá phân bón trong nước tăng theo. Nhờ đó, trong nửa đầu năm 2017 giá các loại phân Urea và NPK đã tăng trung bình khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016 mang lại kết quả kinh doanh tích cực hơn cho các DN ngành phân bón.
“Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sạch cùng những chính sách quy hoạch đất đai theo hướng tập trung, tích tụ và khuyến khích phát triển nông nghiệp của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến ngành nông nghiệp trong thời gian tới”, FPTS nhận định.
Đến năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp dự kiến sẽ tăng thêm 306.000 ha so với 2015 để đạt 27.038 ha. Không chỉ có thị trường trong nước, các DN phân bón còn có thể gia tăng xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, nhất là Campuchia và Lào vốn có ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh. Dù vậy áp lực cạnh tranh tại các thị trường này cũng khá lớn.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất cho các DN trong nước là các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ đến từ Trung Quốc và nạn phân bón giả len lỏi vào thị trường đến nay vẫn chưa có lời giải. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước đã nhập khẩu ròng đến 2,3 triệu tấn phân bón với giá trị lên đến 637 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tới 286 triệu USD, Nga là 129 triệu USD và Nhật Bản 19,6 triệu USD. Điều này đặt ra áp lực cho các DN nội địa phải mạnh mẽ cải tiến chất lượng sản phẩm, cải thiện khâu bán hàng và đồng thời giữ giá bán ở mức hợp lý.
Ở Đạm Cà Mau, công ty được nhận ưu đãi giá khí từ Tập đoàn Dầu Khí đến hết năm 2018, giúp kiểm soát chi phí đầu vào. Công ty vừa mới giới thiệu thêm các dòng sản phẩm mới như N-Humate+TE, N46.Plus... giúp tiết kiệm phân bón đến 20-30% và tăng năng suất cây trồng lên đến 7%. Các dòng sản phẩm này hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào doanh thu của Đạm Cà Mau trong thời gian tới.
Đối với phân bón Bình Điền, công ty dự kiến sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường phía Bắc sau khi hoàn thành công tác xây dựng nhà máy mới ở Ninh Bình vào năm 2015. BFC cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN cho nhà máy mới khi được miễn thuế trong 2 năm đầu và giảm 50% trong hai năm tiếp theo.
Hỗ trợ cho các DN phân bón còn đến từ các động thái của Chính phủ. Khi mà vào tháng 5 vừa qua, Bộ Công Thương đã bắt đầu mở một cuộc điều tra bán phá giá và chính thức áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số dòng sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu.
Tương tự như biện pháp chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu năm ngoái, chính sách áp thuế tự vệ đối với ngành phân bón được giới phân tích kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cho các DN nội địa thâu tóm thêm thị phần và cải thiện thêm lợi nhuận. Đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang có nhiều yếu tố khởi sắc, họ cổ phiếu phân bón có lẽ sẽ giành được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nửa cuối năm nay.