Gỗ Đồng Kỵ lên sàn điện tử
Đồ gỗ trước cửa vào EU, Hoa Kỳ | |
Xuất khẩu gỗ sẽ phất lên? |
Nóng lòng nóng ruột và đầy trăn trở khi lượng hàng xuất khẩu giảm đi trông thấy hai năm qua, những DN làng Đồng Kỵ quyết tiến ra thị trường mới với phương thức kinh doanh mới: áp dụng thương mại điện tử cùng hỗ trợ thương mại truyền thống. http://dongkyfuniter.com – sàn giao dịch điện tử của làng nghề này, của Hội Mỹ nghệ Gỗ Đồng Kỵ đã được khai trương hôm 28/6/2016 với sự chứng kiến của lãnh đạo các cơ quan trong tỉnh và hơn 300 hội viên hiệp hội và bạn hàng các nơi.
“Chúng tôi hy vọng sẽ được bán hàng trực tiếp, xuất khẩu trực tiếp không phải qua thương nhân nước ngoài nữa”, chị Dương Thị Quý cố gắng nói. Họng đau, giọng khản đặc nhưng chị Quý rất nhiệt tình miệng nói, tay viết kể về chuyện làm ăn, chuyện xuất khẩu của gia đình của làng nghề hai năm qua và bày tỏ nhiều kỳ vọng.
Ảnh minh họa |
Ở một hy vọng khác “thức thời hơn”, ông Nguyễn Văn Mão (Công ty Công Thành) bộc lộ, một số DN trong làng đang hướng sang thị trường châu Âu và thương mại điện tử sẽ giúp họ tiếp thị quảng bá sản phẩm nhanh hơn. Một số sản phẩm làm theo phong cách châu Âu đã được gửi đi giới thiệu – nhưng còn ít lắm và nếu không đổi mới, làng nghề này sẽ khó tránh cảnh đìu hiu.
Ve vuốt từng nét trạm nổi trên bộ kỷ gỗ, ông Mão nói rằng những sản phẩm cầu kỳ khó làm thế này, chỉ bán được cho khách hàng châu Á, nhưng suy thoái kinh tế thế giới đã đẩy lùi lượng hàng xuất đi, làng nghề bỗng thành thưa việc.
Là một người am hiểu thời sự kinh tế, ông nói “châu Âu đang ăn hàng Việt Nam nhiều lắm, nhưng là dòng hàng khác và chúng tôi hoàn toàn làm được, chỉ là chúng tôi bây giờ mới bắt đầu thôi”. Ông cũng bộc bạch, không ít sản phẩm cùng dòng được bán ra giả thương hiệu Đồng Kỵ cũng đã ảnh hưởng lớn đến cả làng. Và với việc có sàn giao dịch điện tử này, hy vọng sẽ đẩy lùi được thực trạng này.
“Mọi sản phẩm mang thương hiệu Gỗ Đồng Kỵ luôn có tem chống giả của Bộ Công an, có cam kết bảo hành, nhưng nếu người mua không mua hàng trực tiếp của Đồng Kỵ thì nhiều người không biết”, bây giờ mọi thông tin sẽ được công khai giúp khách hàng xác định đúng hàng của Đồng Kỵ.
Với ba phần tư sản phẩm làng làm ra được xuất sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, nhưng phần lớn là do thương nhân Trung Quốc đặt mua. Kim ngạch xuất sang Trung Quốc mỗi tháng cũng tầm bốn, năm triệu USD. Nhưng thị trường đã nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu đi cùng tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế Trung Quốc, lượng xuất đi chỉ còn non nửa trước đây.
Từ một làng nghề tấp nập xe vào ra, nhà nhà vang lên tiếng cưa tiếng trạm thì hai năm nay trở nên lặng lẽ. Nhưng sự lặng lẽ thường ngày đã được đánh động bằng tiếng trống lân và cờ hoa rực rỡ đón đại diện các ngành Công Thương, Kiểm lâm, Xúc tiến thương mại… trong tỉnh và bạn hàng các nơi về dự lễ ra mắt sàn giao dịch.
“Sàn Giao dịch thương mại điện tử sẽ hỗ trợ tốt công tác tuyên truyền, nâng cao uy tín, hình ảnh DN, giảm chi phí sản xuất, chi phí thông tin liên lạc, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng”, ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại phát biểu.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Gỗ Đồng Kỵ, ông Vũ Quốc Vương thì ôm ấp hy vọng xa hơn: làng nghề sẽ vượt qua châu Á sang các thị trường khác. “Xuất khẩu gỗ đang là một ngành mang lại nhiều kim ngạch cho đất nước, Việt Nam chúng ta nhiều tiềm năng, tay nghề người thợ rất tinh xảo hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khách hàng khó tính ở thị trường Âu, Mỹ. Vậy chúng tôi cũng phải thay đổi để góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng lên, mở rộng thị trường”, ông Vương nói.
Còn ông Mão thì đầy hy vọng, “chúng tôi được biết thị trường EU vẫn có nhu cầu lớn về sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam. Hiệp định VPA/FLEGT sắp được ký kết sẽ mở rộng cơ hội cho đồ gỗ Việt và chúng tôi sẽ cùng nhau tận dụng cơ hội hiệp định này mang lại”.
Hiểu rõ về cơ hội cũng như những điều kiện ngặt nghèo của VPA/FLEGT, ông Mão cho biết: “EU họ đòi hỏi sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc hợp pháp – sản phẩm làng tôi luôn được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thân thiện với môi trường. Các sản phẩm luôn được kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu chọn lựa vật liệu đến gia công thành phẩm. Thương hiệu Gỗ Đồng Kỵ cam kết chỉ giao những sản phẩm với chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Và chúng tôi cũng đã tìm kiếm những nhà cung cấp gỗ có nguồn hợp pháp phù hợp với thị hiếu khách hàng EU”.
“DN thành viên Hội Mỹ nghệ Gỗ Đồng Kỵ sẽ chủ động thích ứng dần và từng bước hoàn thiện về mặt quản lý sản xuất kinh doanh của địa phương. Chúng tôi đang chờ sự ký kết cuối cùng để làng nghề Đồng Kỵ có cơ hội chính thức chinh phục châu Âu”, ông Vương bộc lộ.
Không chỉ là chuyện làm ăn của làng, với các DN ở Đồng Kỵ, việc cùng nhau lên sàn đưa hàng sang châu Âu, châu Mỹ còn là góp phần xây dựng nên thương hiệu gỗ Đồng Kỵ chung, đưa thương hiệu gỗ Đồng Kỵ, gỗ Việt Nam ra thị trường thế giới thay vì vẫn phải xuất khẩu dưới danh nghĩa của thương nhân nước ngoài.
Và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng tình hình xuất khẩu gỗ chung đang gặp nhiều khó khăn nhưng với những nỗ lực của DN và của những nơi như Đồng Kỵ, tốc độ xuất khẩu năm nước ước tăng khoảng 5% so với năm 2015.