Grab thâu tóm Uber: Độc quyền thời công nghệ?
Sáng 26/3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, và Uber có 27,5% cổ phần trong công ty sau mua bán và sáp nhập này. Thông tin trên ngay lập tức gây chấn động toàn bộ thị trường xe taxi công nghệ, nhiều người cho rằng với sự thâu tóm này, thị trường taxi công nghệ đã mất thế cạnh tranh bình đẳng và hình thành một thị trường độc quyền kiểu mới. Bởi Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Grab gần như độc quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Chị Mai Phương Hoa, Hà Nội chia sẻ thông thường, tháng nào tôi cũng nhận được mã giảm giá của Uber và Grab. Các hãng xe này liên tục có các đợt giảm giá đan xen, thậm chí là cùng lúc của hai hãng khiến tôi có thói quen sử dụng xe của Grab và Uber, do giá chỉ cao hơn việc đi xe ôm đôi chút mà lại không lo nắng mưa. Thế nhưng với thương vụ mua bán của Grap và Uber tôi nghĩ không còn lý do gì để Grab khuyến mại mạnh tay, bởi không còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Đây thực chất là một hình thức độc quyền trong kinh doanh kiểu mới.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam cho hay rất khó để đoán được chiến lược trước mắt của Grab sau khi thâu tóm Uber. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định khi cạnh tranh ít đi, người tiêu dùng luôn bất lợi.
Dưới góc độ pháp lý, một luật sư chia sẻ, theo quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004 thì sáp nhập doanh nghiệp là một hành vi tập trung kinh tế. Theo đó, Luật Cạnh tranh quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về việc sáp nhập để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi sáp nhập. Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành. Và để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á mà có quy định này.
Trước vấn đề này, ngày 27/3 Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản gửi tới Công ty TNHH Grab taxi đề nghị đơn vị này cung cấp thông tin về viêc Grab mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Văn bản nêu rõ “Theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 26-3-2018, Grab chính thức thông báo hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục CT&BVNTD đề nghị Quý doanh nghiệp phối hợp cung cấp các thông tin tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và Hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á”. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng yêu cầu Grab báo cáo các thông tin về đơn vị trước ngày 3/4/2018.