Thâu tóm doanh nghiệp ngoại để tăng thị phần
M&A gia tăng nguồn lực cho thị trường bất động sản | |
Kỳ vọng M&A ngân hàng sôi động hơn | |
M&A: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp |
Dồn dập các thương vụ tỷ đô
NutiFood mới đây đã chính thức nắm quyền chi phối Cawells - một doanh nghiệp thực phẩm bổ sung ở Thụy Điển. Mặc dù không tiết lộ giá trị của thương vụ, đại diện NutiFood cho biết để đàm phán thành công thương vụ này, từ năm 2019 doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Nhà máy Nutifood tại Thụy Điển, đồng thời phát triển trên đất khách Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS) để quy tụ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu châu Âu.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho biết việc mua lại vốn của Cawells nằm trong bước đi chiến lược của NutiFood nhằm mở rộng thị phần trên các thị trường nước ngoài. Bởi tính đến nay, dù các thương hiệu sữa nội vẫn chiếm thị phần áp đảo ở trong nước nhưng sức ép cạnh tranh của các hãng sữa ngoại đang gia tăng.
“Trong vòng 3-5 năm tới, Hiệp định EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế 5-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu. Nếu không nhanh chóng mở rộng thị phần ở các thị trường thì rất khó cạnh tranh để tồn tại”, ông Minh nhấn mạnh.
M&A giữa doanh nghiệp Việt với nước ngoài ngày càng tăng. |
Thực tế, ở ngành sữa hiện nay không chỉ có NutiFood hướng tới việc mua vốn các thương hiệu nước ngoài. Từ 2-3 năm trở lại đây, với tiềm lực tài chính khá mạnh, Vinamilk đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư tại các thị trường Lào, Hàn Quốc và Philippines. Cuối 2021, Vinamilk cũng đã đầu tư 50% vốn để cùng đối tác DMPI lập liên doanh Del Monte - Vinamilk Dairy, dự kiến sẽ thâu tóm một công ty sữa có tiếng ở Indonesia.
Đối với những ngành khác như viễn thông, công nghệ thông tin, bán lẻ, mía đường, thủy sản… hoạt động mua vốn khối ngoại cũng khá sôi động. Những tên tuổi lớn như Viettel, FPT, Vingroup đã thành công với hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngoại trị giá hàng trăm triệu USD. Hiện nay, các doanh nghiệp khác như Masan, Thủy sản Vĩnh Hoàn, Mía đường Thành Thành Công cũng đã nhập cuộc với các thương vụ M&A đình đám.
Chẳng hạn như thời gian qua, Masan đã chi hơn 40 triệu USD để mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (Đức) cho mục đích sở hữu nhiều trung tâm sản xuất tiên tiến ở EU, Bắc Mỹ và châu Á. Vĩnh Hoàn đã đầu tư tiền tỷ vào Avant Meats và Shiok Meats là các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng lớn tại Singapore và Hồng Kông. Trong khi đó, TTC Sugar sau khi mua lại nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào đã có kế hoạch mua lại một số doanh nghiệp mía đường ở Ấn Độ, Campuchia và xây dựng nhà máy sản xuất đường ở Australia.
Thận trọng với những cú “ngược dòng”
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2022 cả nước có 80 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài tính đến cuối quý III/2022 tăng khoảng 2,31 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính lũy kế đến hiện nay các tập đoàn có vốn Nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 6,61 tỷ USD. Trong đó 94% vốn là ở các dự án của PVN, Viettel và VRG. Trong năm 2021 vừa qua có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài có lãi, nhưng đến hiện nay vẫn còn 44 dự án có lỗ luỹ kế với tổng số lỗ gần 1,34 tỷ USD.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định rằng, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cộng với sự cởi mở từ Luật Ðầu tư (sửa đổi) đã có hiệu lực từ đầu năm 2021, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng lan tỏa mạnh. Trong vài năm tới giá trị đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có thể vượt con số 1 tỷ USD/năm, trong đó xu hướng mua bán sáp nhập các thương hiệu nước ngoài để chiếm lĩnh thị phần sẽ là xu hướng chủ đạo mà các tập đoàn kinh tế hướng đến tại các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư ra nước ngoại trong tương lai sẽ là rủi ro kinh doanh lớn nhất mà các doanh nghiệp lớn cần cân nhắc, thận trọng khi tiến hành các thương vụ M&A xuyên quốc gia. Bởi để đàm phán và thực hiện thành công một thương vụ M&A tại nước ngoài hầu hết các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Viettel, FPT trong giai đoạn trước đã phải chi ra những khoản tiền khá lớn xử lý các khâu “tiền M&A” và thăm dò hiệu quả khi tiến hành các thương vụ.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, gần 10 năm trước Viettel từng tham gia đấu thầu với hy vọng đặt chân vào thị trường viễn thông Myanmar. Nhưng sau đó phải mất hơn 1 năm chờ đợi hãng viễn thông này mới có được hợp tác với Star High và lập liên doanh mang thương hiệu Mytel. Hay FPT cũng phải mất hai năm làm thủ tục và phải đi “đường vòng” thông qua một công ty con ở Đức để thực hiện M&A ra nước ngoài. Hiện nay, Vĩnh Hoàn cũng phải thông qua công ty con là Vinh Technology tại Singapore để có được các thương vụ đầu tư vào Avant Meats và Shiok Meats…
“Chính vì vậy, rủi ro pháp lý đầu tư ra nước ngoài và các rủi ro liên quan đến biến động tài chính vĩ mô cần được xem xét thấu đáo khi đầu tư các thương vụ M&A dài hạn mang tính chiến lược”, ông Ái nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 398,3 triệu USD, giảm 30,4% với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới 9 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ do có 5 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD. Về ngành nghề đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 11 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 291,6 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ hai với 4 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư trên 35,3 triệu USD, chiếm 8,9%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng; nông, lâm nghiệp, thủy sản... Trong 9 tháng năm 2022, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Lào; thứ hai là Singapore; Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan… |