Gửi tiết kiệm vẫn được quan tâm
SeABank triển khai tiết kiệm “Tích lũy linh hoạt” | |
Đầu tư tài chính cho tương lai: Hành động từ hôm nay | |
SCB: Gửi tiết kiệm – Nhận bảo hiểm gia tăng giá trị cuộc sống |
Đầu tư vào kênh nào để mang lại lợi nhuận nhưng đồng thời phải bảo toàn được nguồn vốn luôn được những người có tiền nhàn rỗi đặt ra. Tất nhiên ở từng thời điểm thì mỗi kênh đầu tư có lợi thế riêng.
Ví như, nếu cách đây 1 năm khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tại các TCTD chưa được NHNN điều chỉnh về mức 0%/năm thì nhiều người vẫn gửi đô la Mỹ, vì kỳ vọng tỷ giá tăng. Nhưng với cách thức điều hành tỷ giá mới, cộng với diễn biến thị trường cả năm qua thì giờ nhiều người bán đô la Mỹ cho NH để chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND.
Ảnh minh họa |
Vậy, trong nửa cuối năm 2016, nên bỏ tiền vào kênh nào. Hiện nay người có tiền nhàn rỗi vẫn chủ yếu xoay quanh các các kênh như: vàng, ngoại tệ, bất động sản, gửi tiết kiệm NH. Hay như mới đây nhiều người cho rằng, thay vì bỏ tiền vào những kênh trên thì đầu tư vào mở DN.
Nhìn vào các danh mục đầu tư trên, điểm dễ nhận thấy là không có kênh đầu tư nào nổi bật hẳn lên và kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao. Với kênh đầu tư vàng hiện nay, diễn biến giá của kim loại quý này đã làm nản lòng những người có ý định mua vàng. Gần như khái niệm đầu tư vàng đang nhạt dần cùng thời gian.
Đại diện một DN kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông – Hà Nội cho biết, hầu như hiện nay người mua vàng đa phần với quan niệm là để dành, phòng khi “trái gió trở trời” chứ không còn hiện tượng mua vào vài hôm chờ giá lên là đem bán, kiếm lời như trước.
Diễn biến giá vàng từ đầu năm đến nay cũng cho thấy, không có cửa sáng với kim loại quý này. Đầu năm nay, giá vàng SJC được bán ra với giá 32,88 triệu đồng/lượng, giá thế giới 1.1063 USD/oz thì kết thúc tháng 5 vàng trong nước là 33,26 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới ở mức 1.199,60 USD/oz.
Như vậy, có thể thấy giá vàng trong 5 tháng qua chỉ nhích nhẹ. Các dự báo gần đây của các tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận vàng vẫn khó có khả năng bứt phá. Theo báo cáo mới đây của Citi Research, giá vàng có thể vẫn trụ vững ở mức như hiện nay, nhưng sẽ giảm dần vào những tháng cuối năm nay, chỉ đạt mức trung bình cả năm là 1.200 USD/oz. Còn Citi Research dự báo con số này là 1.255 USD/oz.
Với thị trường BĐS, mặc dù đã hồi phục ở một vài phân khúc nhưng chưa thể nói sẽ mang lại lợi nhuận cao như thời điểm sốt nóng cách nay 6-7 năm. Mặc dù, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định đến hết năm 2016, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS này vẫn là 150% như quy định hiện hành; và từ 1/1/2017 hệ số rủi ro sẽ được nâng lên 200%.
Tuy nhiên, ngay cả khi hệ số rủi ro với cho vay BĐS ở mức 200% cũng không có nghĩa là các NHTM cho vay mua nhà đất dễ dàng hơn, bởi theo chỉ đạo của NHNN thì chất lượng tín dụng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, khó có thể nói BĐS sẽ có sự đột biến về giá trong thời gian tới.
Trước tới nay, gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh an toàn nhất, nhưng về lợi nhuận thì sao? Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi VND hiện nay 4,5-5,4%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Nếu bỏ ra 2 tỷ đồng gửi tiết kiệm ở kỳ hạn trên 12 tháng với lãi suất khoảng 7%/năm thì mỗi năm người gửi tiền thu lãi về gần 140 triệu đồng mà lại không phải lo sự mất an toàn đồng vốn. Với các giải pháp của Chính phủ hướng tới việc ổn định kinh tế vĩ mô thì giá trị VND vẫn được đảm bảo, giữ VND càng có lợi. Do đó, theo các chuyên gia, gửi tiết kiệm VND vẫn được xem là kênh hấp dẫn, nhìn ở cả ngắn và dài hạn.