Hạn mức trả bảo hiểm: Từ kinh nghiệm quốc tế tới đề xuất chính sách
Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa với BHTGVN | |
BHTGVN với các tổ chức TCVM | |
Nâng cao vai trò của BHTGVN |
Trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề hạn mức. Tại Việt Nam, cũng đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, bài viết này muốn tập trung lý giải tại sao hạn mức trả tiền bảo hiểm lại được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG, tiêu chí để xác định hạn mức phù hợp là gì trên cơ sở các khuyến nghị, hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và các tổ chức nghiên cứu quốc tế, để từ đó có những đề xuất chính sách với Việt Nam.
Tại sao hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG?
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, sự tồn tại của chính sách BHTG nói chung và chính sách hạn mức nói riêng có tác động rất lớn tới sự ổn định của hệ thống tài chính-NH thông qua yếu tố kỷ luật thị trường.
Nghiên cứu của NH Thế giới (WB) đưa ra hai phương pháp tiếp cận nhằm duy trì sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống NH, bao gồm: Cơ chế giám sát, kiểm soát chính thức của các cơ quan quản lý như NH Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính; và Kỷ luật thị trường, được hiểu là cơ chế các thành viên thị trường tự giám sát và hạn chế hoạt động rủi ro quá mức của NH.
Cần phải rà soát và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện thực tế |
Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy trong một số trường hợp, sản phẩm dịch vụ tài chính đã phát triển quá nhanh, phức tạp, khiến cơ quan quản lý không kịp thời phát hiện và cảnh báo rủi ro. Trong khi đó, các thành viên thị trường bao gồm nhà đầu tư, nhà quản lý NH và thậm chí cả người gửi tiền đã theo đuổi các hành vi rủi ro cao nhằm mục đích thu được lợi ích kinh tế cao nhất. Nói cách khác, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, kỷ luật thị trường đã không được duy trì một cách đúng mức.
Theo báo cáo của Hội đồng ổn định tài chính (FSB), việc xác định hạn mức cần đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính và duy trì kỷ luật thị trường.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: Một là, hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, có hiểu biết hạn chế. Hai là, hạn mức phải đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chạy theo các hành vi rủi ro, chạy đua tìm kiếm NH trả lãi suất cao nhất mặc dù bản thân người gửi tiền biết NH đó có rủi ro cao hơn.
Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp có thể hỗ trợ duy trì kỷ luật thị trường, cũng như hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực xây dựng hệ thống NH hoạt động an toàn, lành mạnh.
Vậy, đâu là tiêu chí xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp?
Trên cơ sở khuyến nghị của FSB, vào tháng 3/2013, IADI đã ban hành Hướng dẫn cập nhật về hạn mức trả tiền bảo hiểm, trong đó nêu cụ thể các tiêu chí định tính và định lượng để xác định hạn mức tối ưu.
Về tiêu chí định tính:
Thứ nhất, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phù hợp với mục tiêu chính sách công về BHTG tại từng quốc gia và đồng bộ với các cấu phần khác của hệ thống BHTG. Ví dụ, hạn mức tăng lên đồng nghĩa với việc số tiền cần thiết để chi trả BHTG trong trường hợp NH đổ vỡ cũng tăng lên. Vì vậy, quy mô nguồn vốn quỹ của tổ chức BHTG cũng cần phải nâng lên ở mức độ tương ứng.
Thứ hai, hạn mức nên được xem xét, đánh giá lại thường xuyên và được điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên các yếu tố như lạm phát, thay đổi thu nhập của người dân, quy mô tiền gửi của người gửi tiền, kỳ vọng của thị trường và các yếu tố khác tác động tới mục tiêu chính sách công. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả của hạn mức, công chúng cần được thông báo trước và thông báo rõ ràng về số tiền tối đa mà họ có thể nhận được.
Thứ ba, nếu dòng luân chuyển vốn giữa các quốc gia lân cận lớn, khi xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm tại từng quốc gia cần tính đến yếu tố tương quan so với các quốc gia khác trong khu vực. Sự chênh lệch quá lớn về hạn mức và phạm vi BHTG giữa các quốc gia láng giềng sẽ dẫn tới nguy cơ chuyển dịch tiền gửi từ các quốc gia có hạn mức thấp sang quốc gia có hạn mức cao.
Thứ tư, quốc gia có lịch sử lạm phát cao có thể xây dựng hạn mức trả tiền bảo hiểm tự động điều chỉnh theo mức độ lạm phát. Tuy nhiên, cần lưu ý nhược điểm của cơ chế hạn mức điều chỉnh theo lạm phát là không chắc chắn, không rõ ràng và có thể không tạo được niềm tin thích hợp cho người gửi tiền.
Về tiêu chí định lượng:
Theo nguyên tắc chung đã được đề cập ở trên, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải bảo hiểm toàn bộ được cho đại đa số người gửi tiền nhỏ lẻ, ít hiểu biết về tài chính. Trong các nghiên cứu trước đây, IADI hướng dẫn áp dụng “Nguyên tắc 80/20”, theo đó hạn mức phù hợp là hạn mức có thể bảo hiểm toàn bộ cho 80% số lượng người gửi tiền và khoảng 20% - 30% tổng số tiền gửi vào hệ thống NH. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc duy trì Nguyên tắc 80/20 nói trên không dễ dàng do phân bố giá trị tiền gửi của các quốc gia có sự khác biệt.
Trong hướng dẫn cập nhật về hạn mức, IADI đã nâng chỉ tiêu bảo vệ toàn bộ được 80% số người gửi tiền lên mức định hướng 90%-95% và không đưa lại tiêu chí định lượng đối với chỉ tiêu bảo vệ toàn bộ được 20% tổng giá trị tiền gửi.
Để có thể tính toán được chỉ tiêu nói trên, tổ chức BHTG cần được tiếp cận với thông tin chi tiết về người gửi tiền. Trong một số trường hợp, bên cạnh thông tin do tổ chức tham gia BHTG cung cấp hoặc thông tin do NH Trung ương, cơ quan giám sát chia sẻ, tổ chức BHTG có thể thực hiện các nghiên cứu, khảo sát độc lập, từ đó có được thống kê chi tiết về tiền gửi và người gửi tiền.
Thực tiễn hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam
Hạn mức trả tiền bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG theo các quy định hiện hành là 50 triệu đồng và áp dụng từ năm 2005 đến nay. Sau hơn 10 năm áp dụng hạn mức 50 triệu đồng, nhiều yếu tố tác động đến giá trị thực của hạn mức BHTG như thu nhập bình quân tính theo đầu người, lạm phát, tỷ giá đã có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, hệ thống NH đã có những bước phát triển lớn, tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống NH tăng lên đáng kể. Những yếu tố này đặt ra yêu cầu cần phải rà soát và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đề xuất chính sách
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi trong việc thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền của các hệ thống BHTG. Công cụ này có thể được sử dụng để hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực đảm bảo ổn định hoạt động NH và duy trì kỷ luật thị trường. Điều chỉnh hạn mức đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á áp dụng khá phổ biến trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, theo cả hai chiều lên và xuống.
Tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước đã thành công trong việc duy trì lòng tin của thị trường nói chung và người gửi tiền nói riêng vào hệ thống NH thông qua cam kết tái cấu trúc NH một cách êm thấm, không để xảy ra đổ vỡ NH.
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc xem xét, điều chỉnh hạn mức phù hợp, đồng thời triển khai các chương trình truyền thông để người gửi tiền nhận thức rõ Nhà nước sẽ bảo vệ người gửi tiền như thế nào thông qua chính sách hạn mức để góp phần duy trì được kỷ luật thị trường, từ đó hỗ trợ mục tiêu của Nhà nước trong việc duy trì sự ổn định và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.