Nâng cao vai trò của BHTGVN
Mua ngân hàng giá 0 đồng: Cách làm nhanh, thông minh của NHNN | |
Kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của một số quốc gia |
Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, BHTGVN đã thể hiện vai trò là cơ quan thực thi chính sách BHTG thông qua triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ.
Tính đến 31/5/2016, BHTGVN bảo hiểm cho hơn 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.252 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 92 NHTM, NH Hợp tác xã, 1.156 QTDND và 3 tổ chức tài chính vi mô). BHTGVN luôn thực hiện kịp thời, đầy đủ hoạt động cấp và thu hồi chứng nhận BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG.
Triển khai hiệu quả chính sách BHTG, bảo vệ người gửi tiền góp phần duy trì sự an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng |
Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN thực hiện giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thông qua hoạt động giám sát từ xa, BHTGVN sẽ phát hiện các tổ chức yếu kém, tiềm ẩn rủi ro, báo cáo NHNN có biện pháp xử lý kịp thời.
Từ năm 2015, BHTGVN đã thành lập Ban chỉ đạo giám sát, kiểm tra, xử lý đối với QTDND có vấn đề, chủ động lập kế hoạch chi trả BHTG đối với các QTDND sắp được xử lý pháp nhân theo chỉ đạo của NHNN.
Bên cạnh đó, BHTGVN thực hiện kiểm tra tại chỗ việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG, trong đó trọng tâm là kiểm tra việc tính và nộp phí BHTG.
Phí BHTG là nguồn thu chủ yếu của BHTGVN, phục vụ Quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG. Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đạt mức 23.437 tỷ đồng tại thời điểm 31/5/2016.
Trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD, BHTGVN đã chủ động kiểm tra, giám sát đối với những tổ chức tham gia BHTG yếu kém, cảnh báo và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời khi diễn biến tình hình hoạt động TCTD có chiều hướng xấu hoặc có các vi phạm được phát hiện.
Đối với các sai phạm, BHTGVN đều xác định rõ nguyên nhân và kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh, qua đó nâng cao ý thức của các đơn vị về tự giác chấp hành các quy định pháp luật và các quy định, hướng dẫn của BHTGVN.
Trong phạm vi quyền hạn được quy định tại Luật BHTG, BHTGVN phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém để không gây xáo trộn, mất ổn định chính trị xã hội tại địa phương. BHTGVN cũng luôn chú trọng tuyên truyền chính sách BHTG để củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng.
Đối với các tổ chức tham gia BHTG gặp sự cố rút tiền gửi đột biến, BHTGVN phối hợp với các chi nhánh NHNN trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền chính sách BHTG, ổn định tâm lý người dân và giúp đơn vị trở lại hoạt động bình thường.
Trong thời gian tới, BHTGVN sẽ tích cực triển khai chính sách BHTG trên cơ sở nâng cao hiệu quả giám sát, cảnh báo sớm nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng và chấp hành các quy định pháp luật về BHTG dẫn đến mất an toàn hệ thống.
Để thực hiện mục tiêu này, NHNN xem xét ban hành sớm Thông tư về cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN nhằm phục vụ việc tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về tổ chức tham gia BHTG. Cần có cơ chế phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và BHTGVN trong việc cung cấp, trao đổi thông tin cũng như giám sát, kiểm tra đối với tổ chức tham gia BHTG.
Mặt khác, quy định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của BHTGVN khi tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tham gia BHTG, nhất là trong việc giám sát, kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, ngăn ngừa hành vi trục lợi BHTG.
Với việc triển khai hiệu quả chính sách BHTG thời gian qua, BHTGVN sẽ tiếp tục phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của NHNN trong giữ vững niềm tin người gửi tiền, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện giai đoạn hai Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.