Hành động vì doanh nghiệp
Nam Định: Thêm hơn 1.100 tỷ đồng kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp | |
Cam kết đồng hành lâu dài với DN | |
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, hành động, lấy nhân dân và DN làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Điều này được khẳng định và hiện thực hóa khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao so với cùng kỳ cả về số vốn đăng ký và thực hiện chủ yếu do tác động tích cực của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã tạo niềm tin thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Các NH ngày càng quan tâm, phục vụ khách hàng tốt nhất |
Ở lĩnh vực hoạt động NH, sự tích cực khi cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN, thể hiện rõ nhất qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN).
TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia từng tâm đắc cho rằng: nếu không có chương trình này thì đã có thêm nhiều DN bị phá sản. Cách làm này được xem như “nuôi nợ để đòi nợ”, giúp kết nối NH, DN và chính quyền địa phương cùng tham gia tháo gỡ; sàng lọc xem DN nào còn có thể vực dậy được, vẫn có đơn hàng thì NH sẽ bơm vốn.
Thống kê mới đây của NHNN, đến hết quý II/2016 đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa NH với các DN được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 DN và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới.
Cụ thể, tổng số tiền các NH cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (tổng số tiền cam kết cho vay mới năm 2014 là 217 nghìn tỷ đồng).
Lãi suất cho vay mới phổ biến 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với trước đây. Bên cạnh đó, các NH cũng đã gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
Theo NHNN, thực hiện Nghị quyết 35/NQ - CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, thời gian tới NHNN tiếp tục theo dõi, chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các TCTD đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình để hỗ trợ và phát triển cộng đồng DN.
Nhiệm vụ của ngành NH là một mặt phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Cùng với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng…
Trên thực tế, hiện nay NHNN đang đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục giữa NHNN với các TCTD. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục cho vay giữa TCTD với khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, qua việc triển khai các thủ tục vay vốn cùng khách hàng và qua chương trình kết nối NH - DN có thể thấy rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN và thực hiện triển khai Nghị quyết 35 cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ phía bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, hiện nay năng lực quản trị, điều hành của DN nhìn chung còn hạn chế; cách thức tổ chức quản lý và điều hành chưa chuyên nghiệp, lúng túng trong định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Một số DN phát triển về quy mô nhanh nhưng năng lực quản trị, điều hành hạn chế. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của hầu hết các DN còn hạn chế, yêu cầu vốn NH tham gia vào dự án còn lớn.
“Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn NH vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định, như: Hạn chế về năng lực pháp lý, năng lực tài chính và quản trị, điều hành. Dự án, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi, không có thị trường đầu ra cho sản phẩm, không xác định được chu kỳ luân chuyển vốn” - lãnh đạo NHTM chia sẻ.
Lãnh đạo các NH cho rằng, trước mắt các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất tạo điều kiện cho các DN, người dân có điều kiện thế chấp để vay vốn tín dụng NH. Đồng thời, hỗ trợ NH trong việc công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với NH xử lý nợ xấu đặc biệt là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các DN, khách hàng không còn khả năng trả nợ NH.
Bởi hiện nay, hầu hết là tài sản hình thành từ vốn vay, có giá trị thấp. Một số DN thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, nhà xưởng để vay vốn, nhưng một số nơi việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp chứng nhận sở hữu tài sản trên đất, nhất là đất đi thuê, còn chậm nên các DN gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản đảm bảo tiền vay.
Theo nguồn tin của phóng viên, dự kiến cuối tuần này, NHNN sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Chắc chắn sau hội nghị này, mong muốn của ngành NH là tiếp tục tạo đột phá, sự hành động vì DN và người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Số liệu đến hết tháng 7/2016, tổng vốn FDI đạt 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% gấp đôi mức tăng 8% của cùng kỳ năm trước. 7 tháng năm nay, cả nước có 64.122 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số DN và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay là 16.706 DN, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng đầu năm 2015 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014). |