Hậu thương chiến Mỹ – Trung: Cần tính đến bài toán năng lượng
Đánh thức tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp | |
Lo thiếu năng lượng: Bàn cách tìm nguồn cung mới |
Do thương chiến Mỹ – Trung, trong thời gian tới khi nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam rất dễ có thể gây ra bùng nổ đầu tư “công nghệ cũ – tốn năng lượng”. Vì thế, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng cũng như điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng cả từ phía cầu sử dụng. Đó là khuyến nghị của PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Nhìn lại thực trạng an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp vẫn đang chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Trong khi đó, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. Do vậy, tiết kiệm năng lượng càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp hiện không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.
“Thách thức rất lớn đang đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, khi tổng công suất điện của Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 54.000MW. Để đáp ứng nhu cầu 60.000MW điện vào năm 2020 và khoảng 130.000MW vào năm 2030 thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Trên thực tế theo lãnh đạo Bộ Công thương, mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 (trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%) nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao. Bên cạnh đó, nỗ lực tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả thời gian qua cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, theo Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), trong giai đoạn các năm từ 2011-2015, Việt Nam đã tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng giảm dần trong giai đoạn 2011-2015 như ngành thép giảm 8,09%; ngành xi măng giảm 6,33%; ngành dệt sợi giảm 7,32%.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho hay, theo kịch bản của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp, ngành thép giảm từ 5-16,5%; hóa chất hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa từ 21,55 – 24,81% so với giai đoạn 2015-2018. Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70-90% doanh nghiệp được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Để nâng cao hơn nữa việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.
Bởi khi so sánh mức tiêu thụ năng lượng Việt Nam với mức trung bình của thế giới, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%, nhưng về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều cần được quan tâm đặc biệt.
Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Đỗ Hữu Hào cũng đề xuất, nhà nước cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.
“Bản chất cuối cùng của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Trong đó, đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là 3 yếu tố quan trọng. Nếu các doanh nghiệp thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Hào nhấn mạnh.