Lo thiếu năng lượng: Bàn cách tìm nguồn cung mới
Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.
Thách thức lớn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Với kịch bản này thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030).
Tính đến nay, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như: điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện.
Các mục tiêu trên là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài… Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện.
“Trong bối cảnh từ năm 2015, nước ta đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng quan ngại.
Toàn cảnh diễn đàn |
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, so với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%. Về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều cần được quan tâm đặc biệt.
Hiện nay, ở Việt Nam, năng suất lao động những năm gần đây đạt gần 10.000 USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia... Trong khi đó, tốc độ tăng sử dụng điện quốc gia của Việt Nam trong thập niên qua luôn cao hơn 2-3 lần tốc độ tăng năng suất lao động.
Theo ông Thiên, trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có thể gây ra tăng mạnh đầu tư “công nghệ cũ, tốn năng lượng”, rồi đô thị hóa, biến đổi khí hậu... cũng tạo áp lực lên việc cung ứng điện
“Cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng. Phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán, tiết kiệm điện...”, ông Thiên nhấn mạnh.
Nên làm điện hạt nhân
Chia sẻ tại Diễn đàn, GS-TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các nguồn năng lượng truyền thống của Việt Nam đã dần cạn kiệt, hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều than và sắp tới còn phải nhập khẩu khí hóa lỏng.
Trong khi đó, nguồn nhiệt điện hiện nay cũng còn có rất nhiều vấn đề khi người dân ở nhiều nơi phản đối các dự án nhiệt điện vì cho rằng nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường. Thủy điện cũng hết nguồn cho các dự án có công suất vừa và lớn nên chỉ còn một số dự án thủy điện nhỏ. Nguồn năng lượng tái tạo mặc dù giàu có và đã có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió nhưng hiệu quả rất thấp và không ổn định khi phụ tải nền vẫn không thể trông cậy vào nguồn năng lượng này.
“Về lâu dài, để đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam phải tính đến một loại hình năng lượng bền vững, nhưng hiện tại vẫn chưa có loại hình nào thay thế được điện hạt nhân. Vì một số lý do trước mắt Việt Nam đã phải dừng việc triển khai dự án điện hạt nhân, nhưng đến lúc nào đó vẫn phải quay trở lại phát triển loại hình năng lượng này”, GS-TS. Nguyễn Quân nhận định.
Về lâu dài, Việt Nam phải tính đến một loại hình năng lượng bền vững |
Lấy ví dụ từ Nhật Bản, GS-TS. Nguyễn Quân cho biết, đây là quốc gia sau thảm họa động đất, sóng thần đã phải hủy bỏ chương trình điện hạt nhân, đóng cửa hơn 50 nhà máy điện hạt nhân nhưng cũng sẽ đến một ngày nào đó họ vẫn sẽ phải phát triển trở lại với công nghệ an toàn hơn, mức độ tự động hóa và hiệu quả cao hơn.
Chính vì thế, GS-TS. Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam vẫn phải chuẩn bị phương án phát triển điện hạt nhân dù hiện tại chưa có cơ sở gì để làm điện hạt nhân một cách an toàn, bền vững.
Cũng theo GS-TS. Nguyễn Quân, đứng ở góc độ khoa học công nghệ, Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích, nếu sớm hình thành và đưa vào một Trung tâm khoa học hạt nhân mới, với lò nghiên cứu có công suất từ 10-15MW sẽ không chỉ đáp ứng cho việc nghiên cứu mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đến một ngày nào đó, khi Việt Nam làm điện hạt nhân sẽ có sẵn đội ngũ cán bộ, chuyên gia đủ năng lực, trình độ để đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, đối với các dự án điện hạt nhân, GS-TS. Nguyễn Quân lưu ý, Việt Nam không nên để cho nước ngoài đấu thầu, thiết kế và thi công theo phương thức khoán gọn hay “chìa khóa trao tay”.
“Điều này cực kỳ nguy hiểm vì đây không phải là nguy cơ về an ninh năng lượng mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân theo ý muốn từ bất cứ nơi nào và thậm chí từ ở không gian. Việt Nam có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài làm điện hạt nhân, nhưng người giám sát và vận hành phải là người Việt Nam”, GS-TS. Nguyễn Quân nói.