Hiệu ứng giảm thuế
Miễn giảm thuế cần trúng và đúng | |
Từ 1/7/2016, số tiền chậm nộp thuế giảm còn 0,03%/ngày | |
Cấp bách “thông đường” cho đại lý thuế |
Một trong những nội dung quan trọng nhất tại tờ trình này là bộ đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho các DNNVV từ mức 20% hiện nay xuống còn 17%, áp dụng trong vòng 4 năm từ 2017-2020.
Ảnh minh họa |
Điều đáng nói là đa số DN Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa. Nên nếu đề xuất trên được xem xét, thông qua ở các cấp có thẩm quyền và triển khai trên thực tế thì diện tác động đối với cộng đồng DN là rất lớn. Đặc biệt, đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế nói trên có thể sẽ còn được “nới” thêm.
Bởi theo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đem ra lấy ý kiến đóng góp, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây, thì DNNVV được quy định là có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với quy định hiện hành là 20 tỷ đồng; và lao động bình quân năm trước liền kề không quá 300 người.
Một điểm đáng chú ý khác là nếu quy định này được áp dụng thì lộ trình giảm thuế thu nhập DN đang được điều chỉnh rất nhanh. Chỉ tính trong vài năm trở lại đây, cú huých đầu tiên là thuế thu nhập DN được điều chỉnh giảm từ 25% xuống 22% vào đầu năm 2014, riêng DNNVV áp dụng 20%, sau khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN. Sang năm 2016 thì mức thuế suất được giảm đồng loạt xuống 20% và đến lần này lại tiếp tục được đề xuất giảm sâu hơn.
Tuy nhiên, ngân sách sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ “cú sốc” giảm thuế kể trên. Vì thực tế đối tượng nộp thuế thu nhập DN phải là DN có lợi nhuận. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, mỗi năm có đến hàng chục nghìn DN bị phá sản, dừng hoạt động, “cầm cự qua ngày”, triển vọng tương lai cũng chưa thấy sáng sủa hơn, thì đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế chắc chắn không phải là tất cả các DNNVV.
Theo một số phương tiện thông tin đại chúng thì mặc dù đối tượng DNNVV được hưởng chính sách giảm thuế nói trên có thể lên đến trên 95% tổng số DN hiện hữu, nếu xét theo tiêu chí tại dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì việc điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập DN như nêu trên cũng chỉ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhưng ý nghĩa của việc giảm thuế không chỉ nằm ở con số hơn ngàn tỷ này.
Điểm quan trọng hơn cả là tầm nhìn chính sách khá dài cho thấy quan điểm đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN, đặc biệt là các DNNVV. Dù bộ lọc thị trường không “thưa” hơn, các DN không được “miễn trừ” trước khó khăn, nhưng nếu như DN có triển vọng kinh doanh tốt thì sự hỗ trợ của việc giảm thuế sẽ có tác động thúc đẩy các đơn vị kinh doanh tích tụ thêm tài sản, có điều kiện để đầu tư dài hạn cải thiện khả năng cạnh tranh.
Mặt khác, dù không chắc chắn lắm về khả năng có thể giảm được đáng kể tình trạng chuyển giá của các DN FDI, nhưng chính sách giảm thuế ít nhất cũng khuyến khích các dự án đầu tư quy mô nhỏ đến vừa. Độ phủ ưu đãi ở quy mô này là hữu ích cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Một động lực từ chính sách giảm thuế như thế cũng rất có thể sẽ kích hoạt nhiều chủ đầu tư còn đang lưỡng lự rót vốn vào Việt Nam sẽ quyết liệt hơn trong việc ra quyết định đầu tư.
Với các hướng cải thiện nêu trên, có thể chúng ta sẽ được chứng kiến số DN rời bỏ thị trường ít đi, nhiều DNNVV lớn mạnh dần để trở thành các DN quy mô lớn. Cũng có thể cho rằng, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vì thế mà được nâng lên, môi trường kinh doanh tốt hơn. Đó là một tầm nhìn tốt của chính sách giảm thuế, tạo ra các hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, chứ không hẳn chỉ là giảm thu thuế hơn nghìn tỷ đồng.