Hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm sáng tín dụng sinh viên vùng Tháp Mười | |
Nghiên cứu, đề xuất nâng mức cho vay với tín dụng sinh viên |
Dư nợ đến ngày 30/4/2018 là 14.736 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 150 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,02%/tổng dư nợ. Các năm có dư nợ đạt cao là 2011 đạt 33.447 tỷ đồng; năm 2012 là 35.802 tỷ đồng; năm 2013 là 34.262 tỷ đồng.
Các năm có số hộ gia đình và HSSV có dư nợ cao: năm 2011 là 1.923 ngàn hộ, với 2.407 ngàn HSSV; năm 2012 là 1.886 ngàn hộ, với hơn 2.314 ngàn HSSV; năm 2013 là 1.701 ngàn hộ, với 2.094 ngàn HSSV. Đến nay chỉ còn hơn 584 ngàn hộ gia đình đang vay vốn cho gần 656 ngàn HSSV đi học.
Về đối tượng thụ hưởng, với hộ nghèo dư nợ đến ngày 30/4/2018 là: 2.225 tỷ đồng với hơn 86 ngàn hộ chiếm 14,51% tổng số hộ đang vay vốn; đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 5.761 tỷ đồng với gần 225 ngàn hộ chiếm 37,56% tổng số hộ đang vay vốn.
Bên cạnh đó, đối tượng học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 6.722 tỷ đồng với trên 285 ngàn hộ chiếm 47,69% tổng số hộ đang vay vốn. Đối tượng là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động; lao động nông thôn học nghề, Bộ đội xuất ngũ học nghề dư nợ trên 27 tỷ đồng, với hơn 1,4 ngàn hộ gia đình, HSSV, chiếm tỷ trọng 0,24% tổng số hộ vay vốn.
Cán bộ NHCSXH hướng dẫn các phụ huynh làm thủ tục vay vốn |
Qua số liệu trên ta thấy tỷ lệ hộ nghèo vay vốn tín dụng HSSV biến động giảm qua các năm, trong khi đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo và đối tượng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính lại chiếm tỷ lệ lớn và có mức tăng ổn định qua các năm.
Xu hướng diễn biến này là hợp lý bởi vì với Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đối tượng vay vốn được mở rộng hơn, đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính cũng được xem xét cho vay vốn.
Mặt khác tỷ lệ hộ nghèo năm sau đều giảm so với năm trước, cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 14,2%, năm 2012 là 11,76%, năm 2013 là 9,6%; năm 2014 là 7,8%; năm 2015 là 9,88%. Hơn nữa con em hộ nghèo, nhất là các gia đình nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ít có điều kiện học tập hơn.
Riêng đối tượng thuộc diện hộ gia đình khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình nhu cầu vay vốn của đối tượng khó khăn tăng cao, tuy nhiên đến tháng 8/2010, NHCSXH và các Bộ, ngành đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng nếu hộ vay vốn không còn khó khăn thì sẽ không tiếp tục được thụ hưởng sự ưu đãi nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách.
Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục thì nếu căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 thì mức cho vay hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng 33% nhu cầu chi phí học tập của HSSV.
Bởi quy định mức học phí tăng tối đa ở các trường đại học thí điểm tự chủ có thể hơn 44 triệu đồng/năm (khoảng 2.000 USD), tương đương 100% GNI (gross national income - tổng thu nhập quốc gia) bình quân đầu người của Việt Nam. Đối với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất là 8,8 triệu đồng/năm (khoảng 400 USD), tương đương 20% GNI bình quân đầu người. Như vậy, mức học phí thấp nhất mỗi tháng cũng là 880.000đ/tháng.
Chính vì vậy, theo Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH, hiện nay nhiều ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường trong từng thời kỳ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc cho vay những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống tại vùng khó khăn hiện nay chưa thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.