Hợp tác 3 bên để thúc đẩy mô hình HTX
Cần lực đẩy cho phát triển hợp tác xã | |
Đẩy mạnh thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam |
Trước bối cảnh hội nhập, nông nghiệp là một trong những ngành chịu nhiều tác động mạnh nhất, điều này càng trở nên gay gắt hơn khi những cam kết về cắt giảm thuế suất của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia chính thức được áp dụng.
Phát triển mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu |
Theo các chuyên gia, muốn thay đổi diện mạo nên nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển hiện đại, có giá trị gia tăng cao, ổn định, bền vững thì không còn con đường nào khác là đưa công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đồng bộ, quy mô lớn, tập trung.
Muốn vậy, nền nông nghiệp Việt Nam phải được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật cao nhằm phát huy hết những tiềm năng của từng vùng, từng địa phương để nâng cao sức mạnh ưu việt của chuỗi giá trị gia tăng mà HTX là một mắt xích rất phù hợp.
Trên thực tế, các HTX vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Đa phần các HTX vẫn sản xuất theo kiểu tự phát. Bên cạnh đó chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu ở dạng sơ chế. Có nhiều thời điểm, nhiều loại sản phẩm của HTX có biểu hiện khủng hoảng thừa, khó tìm được thị trường tiêu thụ.
Trong những năm gần đây, với quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới thì việc hình thành, triển khai các mô hình HTX kiểu mới ngày càng được quan tâm đúng mức. Những chính sách hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới, những điều kiện vay vốn, thế chấp tài sản… đang phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình HTX hoạt động tốt như HTX trồng rau và hoa tại Đà Lạt, HTX trồng nấm ở Sóc Sơn (Hà Nội), HTX dược liệu ở Lào Cai…
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX cho biết, xác định HTX là loại hình kinh tế quan trọng, trong những năm qua Liên minh HTX đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã hỗ trợ gần 100 HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài nhằm hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhưng việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách vẫn gặp phải khó khăn như việc đánh giá xếp loại các dự án, DN công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn còn định tính, chưa có tiêu chí cụ thể với các đối tượng được hưởng ưu đãi, nhất là các HTX. Điều này khiến cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án nông nghiệp sạch trong quá trình thẩm định cho vay.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh mang tính cạnh tranh cho các DN, HTX làm ăn chân chính, các bộ ngành chức năng cần ban hành các tiêu chí rõ ràng, cụ thể về quy cách, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn về giá, chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc sản phẩm… Đặc biệt cần có những chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các HTX, DN và ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Bắc Á cho biết, để phát triển mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và các HTX trong chuỗi giá trị gia tăng bằng nguồn cung ứng vốn và tư vấn đầu tư từ ngân hàng. Theo đó sự liên kết 3 bên giữa ngân hàng tư vấn đầu tư cấp tín dụng, các DN ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn và các HTX vệ tinh kiểu mới được đánh giá là mô hình có nhiều tiềm năng và phát triển.
Theo đó DN sẽ đưa ra yêu cầu để đặt hàng sản phẩm cho các HTX dựa trên những tiềm năng sẵn có tại địa phương, hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào quá trình sản xuất, đưa ra các quy chuẩn về chất lượng sản phẩm, tạo thị trường đầu ra, giá cả ổn định bền vững cho HTX.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có trên 20 nghìn HTX đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 2,5 triệu người. |