Luật Điện lực (sửa đổi): Thúc đẩy môi trường năng lượng cạnh tranh
Một trong những nội dung mới của Luật Điện lực (sửa đổi) là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong đó, Luật quy định các cơ chế như tư nhân hóa lưới điện truyền tải, cũng như hợp đồng BOT cho điện khí (LNG) và điện gió ngoài khơi, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Không chỉ vậy, Luật còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững, đây không chỉ là bước ngoặt về mặt pháp lý mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng tái tạo và thị trường điện lực hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Do đó, các quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.
Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững lĩnh vực điện lực |
Đặc biệt, một vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm. Với quy định này, thị trường điện sẽ thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định; giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.
Đồng thời, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nêu rõ thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Ông Trương Đình Quốc - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là tất yếu để phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, cùng với sự tham gia của nhiều thành phần, tổ chức kinh tế. Trước đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và PC Đồng Nai đã có nhiều góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), với một số ý kiến đã được cấp trên tiếp thu, sửa đổi đưa vào Dự thảo. Đây là những ý kiến liên quan đến các quy định về đầu tư dự án lưới điện trung, hạ áp, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, quy định về ngừng cung cấp điện đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật…
Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường điện như cơ chế sản lượng hợp đồng tối thiểu cho LNG được dự kiến tạo thuận lợi cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam… Đặc biệt, Luật cũng thiết lập nền tảng pháp lý cho giá bán lẻ điện 2 thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng, giúp phản ánh chính xác hơn chi phí sản xuất điện và giảm trợ cấp. Cơ chế này dự kiến sẽ hỗ trợ tăng giá bán lẻ điện, giảm lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và gián tiếp có lợi cho các nhà máy điện. Trong đó, nhấn mạnh việc tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220 kV và trở xuống nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển.
Trên thực tế, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững. Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện. Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới.