Hướng đi nào cho rau sạch
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước thông tin việc phát hiện hàng trăm kg rau củ quả và thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ đang vận chuyển vào 7 trường mầm non và tiểu học khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội, hay như việc kiểm tra 20 mẫu rau muống tại TP. Hồ Chí Minh đều có tồn dư kim loại độc bởi các hộ trồng rau dùng dầu nhớt thải để phun trực tiếp diệt rệp, Bình Dương xử lý và tiêu hủy hơn 200kg chuối quả do người dân dùng thuốc diệt chuột để làm chuối chín có màu vàng đều.
Người trồng rau sạch vẫn gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm |
Trong thời điểm người người, nhà nhà đều quan tâm đến việc sử dụng thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình thì những sự việc vừa qua khiến người dân hết sức hoang mang, bức xúc.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản TP. Đà Nẵng, thực tế, ngoài siêu thị, các loại thực phẩm tươi sống được cung cấp trên thị trường hiện nay hầu như không có hồ sơ xuất xứ.
Lâu nay, cơ quan chức năng cũng có lấy mẫu kiểm thử nhưng rất ít, lực lượng quản lý mỏng không phải khi nào cũng “ôm” hết công việc. Hơn nữa, muốn đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì chi phí rất tốn kém, doanh nghiệp hay cả tiểu thương đều không thể làm được việc này.
Rau bẩn tràn ngập thị trường, có thể nói chiếm áp đảo về số lượng tại các chợ, đồng nghĩa với việc đè chết rau sạch bởi giá cả và chủng loại.
Tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, địa phương vừa được UBND TP. Đà Nẵng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hàng trăm hộ nông dân tham gia sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau sạch giúp năng suất đạt khá cao so với trước đây.
Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con nơi đây đang gặp khó bởi khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đại diện một HTX rau sạch trên địa bàn cho biết, dù sản phẩm của bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đi chăng nữa mà không có đầu ra thì cũng phải bán đổ bán tháo ngoài chợ với giá rẻ còn hơn cả rau lộn xộn…
Ngược lại với các HTX sản xuất rau sạch tại Đà Nẵng, việc sản xuất rau của người dân tại Gia Lai không theo các tiêu chuẩn quy định nhưng sản phẩm lại được xuất bán đến nhiều địa phương. Đak Pơ là vựa rau của khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai.
Đây cũng là vùng chuyên canh rau hình thành từ lâu đời, với tổng diện tích trên 2.200 ha rau mỗi năm; mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn rau xanh; một lượng khá lớn trong số đó được xuất bán đến nhiều địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
Đơn cử, tại xã Cư An có diện tích trồng rau khoảng 1.080 ha, mang về nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân địa phương. Thế nhưng theo đại diện UBND xã Cư An, bà con hầu hết đều sản xuất rau theo phương pháp canh tác truyền thống, dựa trên kinh nghiệm và điều kiện hiện có nên khó làm chủ được thị trường, đặc biệt việc sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.
Vị lãnh đạo này chia sẻ, không phải chính quyền và người dân Cư An không quan tâm đến việc sản xuất rau sạch. Vấn đề này từng được triển khai cách đây khá lâu, đã có một vài mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không hiệu quả vì đầu ra không được xác định rõ ràng.
Tương tự, tại xã Tân An, vấn đề phát triển nghề trồng rau theo hướng bền vững, mục tiêu là xây dựng được những vườn rau sản xuất theo phương pháp an toàn cũng rơi vào tình trạng bỏ lửng. Theo chính quyền địa phương này, các đơn vị, sở ngành cũng phối hợp với địa phương tổ chức các đợt tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, người dân cũng háo hức lắm. Song khi thu hoạch, giá bán không khác nhau khiến nông dân khó lòng mặn mà. Chính quyền cũng chưa tìm được cách nào hỗ trợ hiệu quả hướng đi này.
Trở ngại trong việc sản xuất rau an toàn chính là ở chất lượng và giá cả chưa đi đôi với nhau để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. Sự “lỡ nhịp” này khiến cho người nông dân sản xuất rau sạch quay về phương thức sản xuất truyền thống.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn mong muốn được dùng rau đảm bảo chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, nếu đặt vào vị trí người tiêu dùng, ai đi chợ cũng thích chọn bó rau tươi ngon, giá cả rẻ. Việc đánh giá chất lượng rau của các bà nội trợ lại chỉ mang yếu tố cảm tính thông qua quan sát bằng mắt thường mà rau không an toàn lại hay có mẫu mã đẹp, vậy nên rau bẩn dễ hấp dẫn người mua hơn.
Ở chợ, người sản xuất không hẳn phải là người bán. Do đó, tư thương không chịu trách nhiệm về chất lượng rau nên thị trường bán chạy thì tư thương nhập, chính vì thế rau sản xuất không an toàn đè bẹp rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn.
Để rau sạch có đất sống, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương, cần có chính sách hỗ trợ khuyến nông cũng như tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cần phải biết chọn đâu là rau an toàn. Hãy là người tiêu dùng thông minh để đẩy lùi “rau bẩn”.