Khẩn trương quán triệt, triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị |
Tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả
Đối với Nghị quyết về thí điểm XLNX, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. “Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cho rằng, việc triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết có hiệu quả, thuận lợi hay không sẽ không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan liên quan, Thống đốc cũng đánh giá cao việc ngày 19/7/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu tòa án nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần XLNX trên tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội.
“Văn bản này thực sự đã làm cho các TCTD hết sức phấn khởi và hy vọng việc XLNX, xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn. NHNN xin trân trọng cảm ơn Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản này”, Thống đốc chia sẻ.
Còn với Đề án cơ cấu lại các TCTD, các giải pháp đề ra tại Đề án tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém; Nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD; Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; Cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm; Các giải pháp về xử lý nợ xấu và các giải pháp hỗ trợ để đảm bảo việc triển khai Đề án thành công. |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đã trình bày các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án. Các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh các giải pháp cơ cấu lại và XLNX, đặc biệt là các biện pháp, lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện. Đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình triển khai để đảm bảo hiệu quả và đạt được mục tiêu như mong muốn.
Kỳ vọng Nghị quyết 42 sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn trong XLNX thời gian tới, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Khi có Nghị quyết này, tinh thần của các khách hàng vay vốn chắc chắn sẽ được cải thiện, không còn tâm lý trây ỳ, né tránh không thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình. Ông Minh cũng nêu đề nghị với chính quyền địa phương cho phép thành lập sớm các công ty mua bán nợ tư nhân trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan trung ương.
Về phía các TCTD, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank Đỗ Tuấn Anh cũng nhận thấy việc bên cạnh những hành lang pháp lý, cơ chế cần thiết thì trách nhiệm và năng lực thực tế của mỗi ngân hàng trong công tác XLNX là rất quan trọng. Bản thân các TCTD cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp… để triển khai thực hiện hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị |
Cần sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống
Sau hơn nửa ngày làm việc, lắng nghe các ý kiến chia sẻ trực tiếp tại Hội nghị, phát biểu kết luận Hội nghị Thống đốc NHNN lưu ý, Nghị quyết về thí điểm XLNX có nhiều điểm mới, trong thực tế thời gian đầu khi triển khai cũng sẽ không tránh khỏi có những khó khăn nhất định. Vì vậy, cách thức tổ chức thực hiện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Ngành cũng như với các cơ quan ngoài ngành là rất quan trọng.
Nhấn mạnh, các nhiệm vụ trong thời gian tới đối với từng khối, nhóm đơn vị trong Ngành đã được nêu rõ trong Chỉ thị của NHNN và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án, Thống đốc yêu cầu ngay sau Hội nghị này, các đơn vị phải khẩn trương quán triệt ngay trong hệ thống và chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm XLNX, Thống đốc NHNN yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung hoàn thiện để ban hành các văn bản pháp lý có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết; các văn bản pháp lý khác nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, thanh tra, giám sát hoạt động của hệ thống TCTD. Đồng thời, tiếp tục rà soát để đề xuất hoàn thiện các văn bản có liên quan khác nếu cần thiết. Khẩn trương chỉ đạo từng TCTD xây dựng kế hoạch cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trình NHNN phê duyệt, trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng TCTD. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp, báo cáo số liệu XLNX, xây dựng Báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết…
Vụ Pháp chế có trách nhiệm đầu mối xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết để kịp thời xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đồng thời là đầu mối đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLNX, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết này.
Thống đốc cũng yêu cầu Vụ Truyền thông làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết trong toàn hệ thống. Trong đó đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nợ xấu, khái niệm và cách thức xác định nợ xấu đã được nêu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 42 của Quốc hội để có được sự hiểu biết, đồng thuận của dư luận.
NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn để triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa bàn và thực hiện thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, báo cáo NHNNTW những vấn đề vượt thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý kịp thời. VAMC có trách nhiệm tổ chức quán triệt các quy định của Nghị quyết; xây dựng và triển khai thực hiện phương án XLNX hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch XLNX hằng năm và định kỳ báo cáo tình hình XLNX. Hằng năm, đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại TCTD. Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ...
Đặc biệt nghiên cứu văn bản số 152/TANDTC-PC ngày 19/7/2017 của Tòa án Nhân dân tối cao về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu để trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, đề nghị Tòa án nhân dân các cấp xử lý theo đúng tinh thần của văn bản này.
Về việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu: Đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD. Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và XLNX theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020. Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với XLNX và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng thời với việc xây dựng Phương án, mỗi TCTD cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.
Việc triển khai thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và hiệu quả của việc XLNX, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và XLNX của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn.
“Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, mục tiêu giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một cách bền vững sẽ được đảm bảo, qua đó đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước”, Thống đốc chia sẻ.