Khi cà phê hướng tới chế biến sâu
Tái canh cà phê: Vẫn còn không ít trăn trở | |
Sức hút của cà phê hòa tan |
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, DN ngành cà phê Việt đang có chuyển biến mới, để vượt qua khó khăn, khắc phục những bất lợi ở thị trường xuất khẩu lẫn nội địa.
DN tăng quảng bá cà phê ở thị trường nội địa |
Cụ thể trong nước, niên vụ 2018 – 2019 dự báo sẽ giảm sản lượng hơn niên vụ trước (2017 – 2018), chỉ đạt khoảng 25,5 triệu bao (60 kg). Nguyên nhân, diện tích trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang giảm vì nông dân chuyển đổi cây trồng, trồng xen canh vào vườn cà phê các loại cây ăn quả khác (bơ, sầu riêng), có giá bán cao hơn giá cà phê, trong khi giá cà phê giảm thấp kéo dài trên ba năm qua.
Chưa hết niên vụ này lại gặp thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi để cây cà phê đậu trái. Trong khi từ đầu năm 2018 đến nay, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm đến mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (cà phê Arabica thấp nhất trong 12 năm, cà phê Robusta thấp nhất trong 5 năm). Giá cà phê thế giới giảm kéo giá cà phê nhân trong nước cũng rơi xuống thấp nhất 3 năm qua, thậm chí còn thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho người nông dân trồng cà phê, nhiều nhà vườn không tập trung chăm bón cà phê, do thiếu tiền đầu tư cho vụ tới, làm giảm sản lượng niên vụ 2018 - 2019. Việc giảm giá cà phê đã ảnh hưởng lớn đến nhà nông, DN và kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước, trong khi thị trường tiêu thụ trong nước chưa cao (tính theo tỷ lệ dân số trong độ tuổi có thể uống cà phê).
Mặc dù giá giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2018 dự kiến đạt khoảng 3,5 tỷ USD không giảm so với năm 2017 (là 3,2 tỷ USD) và là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil). Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao nhất, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Để đạt kết quả này, DN cà phê Việt đã tăng sản xuất chế biến xuất khẩu thay vì chỉ xuất khẩu cà phê hạt thô.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Phó Chủ tịch Vicofa), Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do đa phương và song phương với các nước, đã mở được thị trường cà phê chế biến xuất khẩu.
Điều này giúp cà phê Việt Nam không giảm kim ngạch xuất khẩu nhờ việc tăng xuất khẩu nhóm hàng cà phê chế biến (hai sản phẩm chính là cà phê rang xay và cà phê hòa tan). Trong đó, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng trưởng mạnh, niên vụ 2017 – 2018 tăng hơn hai niên vụ trước đến 30%. Hiệ
n nay, cà phê hòa tan của Việt Nam đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với tổng công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm.
Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê phối trộn quy mô nhỏ, với tổng công suất khoảng 70.000 tấn/năm. Phần lớn sản lượng cà phê hòa tan được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm được thị trường thế giới ưa chuộng và bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc.
Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam còn rất lớn, nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào. Cà phê chế biến sâu là khâu có giá trị gia tăng cao, có thể tăng từ 70 đến 100 triệu đồng/tấn so với giá bán cà phê nhân thô chỉ 32 triệu - 36 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện cà phê chế biến sâu ở nước ta mới chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước.
Thị trường tiêu thụ nội địa cũng tăng tiêu thụ cà phê hòa tan, do số lượng người trẻ và du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng từng năm, kéo theo việc tăng sử dụng cà phê hòa tan do dễ sử dụng, tiện lợi và nhanh chóng. Trên thị trường rất nhiều thương hiệu cà phê được ưa chuộng như Vinacafe, Trung Nguyên, Mê Trang, Phúc Long…