Tái canh cà phê: Vẫn còn không ít trăn trở
Diện tích cà phê trên địa bàn Đắk Lắk có thể giảm 231 ha | |
Chuyển biến trong tái canh cà phê |
Hiệu ứng từ một chính sách
Tái canh cây cà phê là một dự án có quy mô lớn nhằm phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ-TU, ngày 5/5/2008 của Tỉnh ủy về “Phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới”; Quyết định 41/2008/QĐ-UBND, ngày 17/11/2008 của UBND tỉnh về “Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” và Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với Agribank ký ngày 12/4/2013 về việc “Tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích già cỗi”.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Krông Pắk, Đắk Lắk cùng với lãnh đạo Công ty TNHH MTV 719 đi thăm vườn cây cà phê tái canh đã cho thu hoạch |
Tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm “trẻ hóa” vườn cây đang là vấn đề cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và của ngành cà phê Việt Nam nói chung. Bởi diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp ngày càng lớn. Vì vậy, thay thế diện tích cà phê già cỗi để thực hiện tái canh sẽ góp phần ổn định sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cải thiện mức sống của một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn.
Với mục tiêu và ý nghĩa quan trọng đó, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt. Vào hạ tuần tháng 6/2013, tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk và Agribank đã phối hợp tổ chức “Hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các doanh nghiệp, hộ trồng cà phê...
Tại hội nghị này đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký, với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7 ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê. Từ sự kiện này, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bắt đầu đi vào quy mô, bài bản và tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp trong thực hiện tái canh cây cà phê.
Ông Hà Văn Lạc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 720 (Công ty 720) hồ hởi dẫn chúng tôi ra vườn cây cà phê xanh mướt, trái trĩu cành, rồi đưa tay khoanh một vòng như vạch chỉ giới cho vườn cây và nói: đây là 30 ha tái canh từ những ngày đầu khi có chủ trương của tỉnh (2013), đã bước sang kinh doanh năm thứ 2, bây giờ chỉ còn chờ thu hoạch.
Công ty 720 trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, tiền thân là Trung đoàn 720, thuộc Sư đoàn 333. Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, đơn vị chuyển sang làm kinh tế.
Theo ông Hà Văn Lạc, vườn cây cà phê của công ty được trồng từ khi đơn vị chuyển sang làm kinh tế và phát triển mạnh vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nghĩa là bình quân mỗi cây cà phê ở đây có “tuổi thọ” từ 35 đến 40 năm. Bởi vậy, việc “trẻ hóa” vườn cây được ban lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Ngay khi có chủ trương của tỉnh và được Agribank tài trợ vốn, đơn vị được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh là “cú huých” để đơn vị đẩy nhanh tiến độ tái canh cà phê.
Ông cho biết, hiện công ty đang quản lý trên 700 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cà phê là 300 ha, lúa 210 ha còn lại là đất trồng màu. Công ty triển khai thực hiện tái canh ngay từ năm đầu có chủ trương (2013) với diện tích 78 ha trong đó 30 ha đã cho thu hoạch và được Agribank Chi nhánh Ea Kar cho vay trên 10 tỷ đồng.
Đến nay vườn cây phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất đạt từ 3,5 tấn/ha (ở năm thứ 4) đến trên 4 tấn/ha (vào năm thứ 5) trở đi, trước khi chưa thực hiện tái canh, năng suất chỉ đạt tối đa 2,5 tấn/ha. Năm 2018, công ty triển khai tái canh tiếp 28 ha, phấn đấu đến năm 2024 có 100% diện tích cà phê được tái canh.
Cùng với tâm trạng của ông Hà Văn Lạc ở Công ty 720, ông Nguyễn Công Trị, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 52 “khoe” với chúng tôi, hiện vườn cà phê của công ty sau tái canh “đẹp như mơ”.
Theo chia sẻ của ông Trị, vào năm 2016, dự án tái canh được Tổng công ty phê duyệt là 230 ha và Agribank Chi nhánh Ea Kar cho vay 18,5 tỷ đồng cùng với vốn tự có của công ty và sức lao động của công nhân đơn vị đã thực hiện tái canh 72 ha. Đến thời điểm này công ty đã đạt 83% kế hoạch tái canh của năm và hoàn thành 92% (211 ha/230 ha) chỉ tiêu tái canh đã được Tổng công ty phê duyệt.
“Nếu không có sự tiếp sức về vốn của tín dụng Agribank thì đơn vị không thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tái canh mà Tổng công ty đã giao. Bởi tái canh là một quá trình dài, từ khi nhổ bỏ vườn cây già cỗi, cải tạo đất, trồng mới cho đến khi có thu hoạch phải mất từ 3 đến 4 năm”, ông Trị nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở Công ty TNHH MTV Cà phê 719, qua trao đổi với ông Phan Trung Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp của công ty chúng tôi được biết, đơn vị đã thực hiện tái canh ngay từ năm đầu có chủ trương (2013) với diện tích 21 ha và được Agribank Chi nhánh Krông Pắk cho vay hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, vườn cây phát triển tốt và đã có nguồn thu để trả dần nợ vay ngân hàng.
Cần những trợ giúp hiệu quả
Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 202.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Đến nay mới chỉ thực hiện tái canh được hơn 1.827 ha, trong đó có 1.800 ha trồng mới, 27 ha ghép cải tạo. Điều đáng nói là việc giải ngân cho vay chương trình này đạt khá thấp so với nhu cầu và mục tiêu đề ra.
Tính đến hết tháng 4/2018, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại 2 ngân hàng chủ lực của chương trình là Agribank Đắk Lắk và Agribank Bắc Đăk Lăk chỉ đạt trên 117,6 tỷ đồng, với 221 khách hàng. Theo lãnh đạo các đơn vị Agribank trên địa bàn tỉnh, với vai trò và trách nhiệm là “nhà tài trợ vốn”, các ngân hàng này đã triển khai thực hiện cho vay tái canh cà phê một cách quyết liệt, với tinh thần “vốn tái canh luôn sẵn sàng”.
Bên cạnh đó, các đơn vị Agribank trên địa tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy cho vay chương trình này như tăng cường công tác truyền thông, cải cách thủ tục cho vay, tư vấn, hỗ trợ nông dân… nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao, tiến độ giải ngân rất chậm so với lộ trình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, bởi tái canh cà phê ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân hàng, còn là tổng thể các giải pháp như: cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp.
Trong đó hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình này. Thế nhưng từ trước tới nay việc thực hiện tái canh cà phê trên diện rộng, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh là chưa có tiền lệ nên còn tâm lý đắn đo, cân nhắc đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Thái Văn Nhựt khó khăn nhất là vấn đề kỹ thuật. Theo quy trình tái canh do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành, để có thể trồng lại cây cà phê, đất phải được cải tạo ít nhất trong 2 năm. Thế nhưng, mặc dù đã thực hiện đúng khuyến cáo, nhưng tỷ lệ cây chết vẫn khá cao (20-30%). Nguyên nhân là do ở một số vườn cây, tuyến trùng rễ vẫn chưa bị tiêu diệt hết.
Trước tình trạng trên, Công ty Việt Đức đã phải thuê chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên xét nghiệm tuyến trùng rễ trước khi trồng, dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư so với định mức được ngân hàng phê duyệt.
Một khó khăn khác nữa, theo quy định, ngân hàng sẽ giải ngân theo từng giai đoạn tái canh với điều kiện doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến công việc trong giai đoạn đó. Nhưng theo ông Nhựt, điều này rất khó thực hiện bởi có nhiều giai đoạn, đơn vị phải thuê nhân công, thiết bị bên ngoài mà họ thì không thể xuất hóa đơn, chứng từ được. Một vấn đề khác là quy định cấm trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê tái canh cũng “làm khó” doanh nghiệp.
Rõ ràng, các doanh nghiệp đều nhận thức được muốn phát triển cà phê bền vững, góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tái canh cây cà phê. Nhưng trước những vướng mắc trên, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Nhất là từ cơ chế, chính sách phải phù hợp với thực tế để việc tái canh sớm hoàn thành, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cây cà phê tại Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung.