Sức hút của cà phê hòa tan
Cà phê Việt và mục tiêu 6 tỷ USD | |
Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng cao |
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, theo kết quả khảo sát của Vicofa lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam vào cuối năm 2017 đã đạt mức 1,38kg/người/năm.
Cà phê hòa tan được ưa chuộng vì sự tiện lợi |
Đây là mức tiêu thụ cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng chưa dừng lại, dự báo mức tiêu thụ sẽ còn tăng lên 2,6 kg/người/năm từ 2018 - 2021. Trong đó, sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay trong nước niên vụ 2017 - 2018 ước lên đến 2,55 triệu bao, do sự phát triển bùng nổ của các quán cà phê từ hạng sang đến cà phê vỉa hè.
Riêng thị trường cà phê hòa tan được dự báo (từ năm 2018 về sau) sẽ đạt đến 7.000 tỷ đồng/năm, với mức tăng trưởng từ 8% - 10%/năm trong tổng cầu của thị trường cà phê Việt vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Điều này được chứng minh bằng sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu cà phê trong và ngoài nước ở nhóm cà phê hòa tan.
Từ 5 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ cà phê hoà tan trong nước có sự tăng bứt phá và được nhiều DN đánh giá rất nhiều tiềm năng. Bên cạnh những thương hiệu cà phê hòa tan nổi tiếng trong nước như Trung Nguyên G7, Vinacafe Biên Hoà, Nestlé… thì nay thêm nhiều thương hiệu mới như TNI (King coffee), Ajinomoto (Birdy), PhinDeli... và các DN mới tham gia đầu tư vào dòng cà phê hòa tan như Nutifood, Coffee House (công ty này đã mua lại mảng cà phê của Công ty Cầu Đất Farm). Thị trường tiêu thụ cũng tràn ngập chuỗi quán cà phê với nhiều thương hiệu lớn nhỏ là Trung Nguyên, Phúc Long, Highlands, Passio, Coffee Beans & Tea Leaves…
Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, do lợi thế dân số trẻ, những người có nhịp sống bận rộn, chuộng tiêu dùng nhanh chóng và tiện lợi. Ngoài ra, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn của Việt Nam hiện đang gia tăng nhanh chóng. Việc đến quán cà phê phong cách phương Tây (sử dụng nhiều sản phẩm cà phê, chè hòa tan) đang trở nên thịnh hành, khiến thị trường tiêu thụ cà phê nội địa (cả cà phê rang xay và hòa tan) trở nên hấp dẫn với DN sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Thực tế tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có thể thấy, cà phê hòa tan đóng gói rất phong phú về chủng loại, số lượng. Nếu trước đây cà phê hòa tan chỉ có các sản phẩm cà phê sữa 3 trong 1, thì nay có thêm hàng chục loại cà phê đen hòa tan không đường, cà phê đen tươi đóng chai, cà phê 6 trong 1, cà phê sữa đá tươi…
Đặc biệt, ở kênh cửa hàng tiện lợi đang bùng nổ tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sản phẩm cà phê hòa tan không chỉ bán nguyên bao gói (người tiêu dùng mua về tự pha), mà còn pha sẵn bán tại chỗ cho học sinh, sinh viên, giới trẻ văn phòng… Đây chính là lượng người tiêu thụ lớn, khiến cho thị trường cà phê hòa tan ngày càng rộng mở.
Về xuất khẩu, hiện nay Việt Nam đang đứng trong TOP 5 quốc gia xuất khẩu cà phê hòa tan hàng đầu thế giới (sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ). Hầu hết các DN đang sản xuất cà phê hòa tan đều nhắm đến thị trường xuất khẩu. Cụ thể như thương hiệu chuỗi cà phê The Coffee House khi đầu tư trồng cà phê, đã đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng (trong đó có cà phê hòa tan) trong những năm tới.
Theo Vicofa dự báo năm 2018, sản lượng xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam sẽ đạt 2,1 triệu bao (tăng 100 nghìn bao so với năm 2017) và thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc.