Khi “Cha cõng con” đến Oscar
Điện ảnh Việt hiện tại lại hướng về “Cha cõng con” - bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng vừa được Hội đồng chọn phim quốc gia gửi tham dự giải Oscar 2018 hạng mục “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” tại Mỹ. Tuy nhiên, Oscar từ lâu được đánh giá là sân chơi quá tầm đối với phim Việt, dù nhiều năm trở lại đây các tác phẩm của chúng ta đều đặn đến với giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới của “đất nước cờ hoa”.
“Cha cõng con” - phim Việt vừa được chọn tham dự giải Oscar 2018 |
Có thể dễ dàng nhận thấy, điện ảnh Việt thời gian gần đây đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đậm sâu đối với khán giả, nhiều phim điện ảnh (chiếu rạp) có doanh thu cao lên tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, rất ít phim Việt khi đến với ngày hội điện ảnh lớn của thế giới như Oscar, Berlin, Cannes... đã thất thế, không thể cạnh tranh giải thưởng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Phim Việt mỗi khi đến với những giải như Oscar thường được gửi gắm sứ mệnh... học hỏi, giao lưu là chính. Bởi lẽ, Oscar là giải thưởng điện ảnh uy tín, lâu đời và danh giá nhất trên thế giới, đồng thời quy tụ tất cả những nền điện ảnh tiên tiến của 5 châu. Phim của chúng ta có thể tạo được sự chú ý, giành giải thưởng ở những liên hoan phim quốc tế “thường thường bậc trung” chứ đến nay chưa có một tác phẩm nào lọt tới vòng đề cử chính thức của giải Oscar.
Tính đến nay, nhiều tác phẩm điện ảnh Việt đã được “chọn mặt gửi vàng” đến với Oscar nhưng tất cả đều phải trở về tay trắng và thậm chí bị loại ngay vòng sơ tuyển. Lần lượt các bộ phim của Việt Nam đến với Oscar như “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2011), “Mùi cỏ cháy” (2013), “Trúng số” (2015), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2016)... dù giành một số giải thưởng trong nước lẫn quốc tế song khi tới Oscar đều bị loại ngay từ vòng tuyển chọn.
Nếu theo dõi các mùa giải của Oscar, không khó để nhận thấy đây là giải thưởng có sự chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt chất lượng, nội dung tác phẩm bởi những nhà chuyên môn hàng đầu trên thế giới. Các bộ phim đoạt giải Oscar những năm qua đều là những bộ phim có tính dân tộc, bản sắc văn hóa nhưng lại có tính phổ quát, hàm lượng nghệ thuật cao.
Trong khi đó, phim Việt dù có tính nghệ thuật và nội dung nhưng thường bó hẹp trong phạm vi địa lý (trong nước) chứ không mang tầm vĩ mô, nhân loại - tiêu chí mà các thành viên ban giám khảo Oscar đặt ra để chọn ra bộ phim xuất sắc nhất để trao giải.
Công bằng mà nói, điện ảnh Việt không “dậm chân tại chỗ” mà vẫn đi lên từng ngày để khẳng định vị thế với những nền điện ảnh phát triển. Và để có được những thành công vang dội, rộng đường đến với bạn bè quốc tế, đa số những bộ phim Việt đã đạt được các yếu tố cần thiết của một tác phẩm điện ảnh: nghệ thuật, yếu tố ngôn ngữ điện ảnh, đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa và sự hội nhập.
Đối với “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng, đây cũng được xem là một tác phẩm điện ảnh có chất riêng và những thông điệp nghệ thuật. Dù chưa thật sự tạo ra những đột phá trong nước, nhưng khi “Cha cõng con” được xuất ngoại và đến với các liên hoan phim quốc tế thời gian qua đã để lại những dấu ấn nhất định, gặt hái nhiều thành công vang dội.
Xét thành tích về giải thưởng trước khi đến với Oscar 2018 tại Mỹ sắp tới, “Cha cõng con” đã thu nạp không ít vinh quang. Theo đó, bộ phim này đã đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” (Best Foreign Feature) tại Liên hoan phim quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở Mỹ, giải “Quay phim ấn tượng nhất” do ban giám khảo bình chọn dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng.
Tại Liên hoan phim quốc tế Boston lần thứ 15 (Mỹ), “Cha cõng con” đã giành giải “Phim có cốt truyện hay nhất” và sau đó, phim này giành giải “Phim hay nhất” (Best Film) của Liên hoan phim quốc tế Milano lần thứ 17 (Italy). Những giải thưởng chính và phụ của “Cha cõng con” kể trên ít nhiều thắp lên những hy vọng cho điện ảnh Việt về việc “Cha cõng con” có thể tạo ra những bất ngờ, đột phá tại Oscar 2018.
Trên thực tế, “Cha cõng con” là phim nghệ thuật khá kén người xem và chưa hẳn phù hợp với số đông, đồng thời cũng không hẳn thuận góc nhìn của giới chuyên môn. Bằng chứng là “Cha cõng con” đến với liên hoan phim quốc tế đã giành không ít giải thưởng, tuy nhiên tại giải Cánh diều Vàng 2017 do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cách đây không lâu, tác phẩm này chỉ được Ban tổ chức trao Bằng khen.
Chính vì điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại tấm Bằng khen cho Ban tổ chức giải Cánh diều Vàng 2017 bởi vị đạo diễn cho rằng “Cha cõng con” với sự đầu tư, chất lượng vốn có phải nhận được phần thưởng xứng đáng hơn.
Nếu ai đó đã từng xem “Cha cõng con” sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp nghệ thuật của bộ phim này. Không đi vào những vấn đề đao to búa lớn, “Cha cõng con” xoay quanh cuộc sống về hai cha con Cá, cậu bé từ nhỏ đã mang căn bệnh hiểm nghèo có ước mơ một lần được lên tòa nhà cao nhất thành phố trong câu chuyện của chú Mù để ngắm con chim sắt (máy bay).
Người cha, quanh năm lam lũ trên chiếc ghe nhỏ trên sông bắt từng con cá để bán chữa bệnh cho con và thực hiện ước mơ đưa con xuống thành phố. Nhưng thật không may, cậu bé đã không còn sống được bao lâu, thương con nên ông bố đã làm tất cả để hoàn thành giấc mơ đó. Nhiều chi tiết, hình ảnh của “Cha cõng con” đã lấy được nước mắt khán giả và tạo ra những dư âm...
Tuy nhiên, với “Cha cõng con”, nhiều người vẫn không dám đặt nhiều kỳ vọng sẽ làm nên bất ngờ tại Oscar 2018. Bởi sự ảnh hưởng của bộ phim này chỉ ở phạm vi hẹp, chưa kể các nền điện ảnh lớn sẽ cử những tác phẩm xuất chúng nhất của họ tranh tài!