Khi ngân hàng “xắn tay” cùng doanh nghiệp
Nam Định sẽ có Nhà máy nhiệt điện trị giá hơn 2 tỷ USD | |
Thêm 645 tỷ đồng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định |
Nếu như trước năm 2014, với nhiều doanh nghiệp, mở cánh cửa bước vào ngân hàng còn nhiều ngần ngại, thì nay thời cuộc đã thay đổi, người mong muốn mở cánh cửa ấy chính là ngân hàng, để chào đón các doanh nghiệp...
Cũng bởi một phần áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày một lớn, song còn vì một quyết tâm được định hướng xuyên suốt từ NHNN Chi nhánh Nam Định với vai trò là “cánh tay nối dài của Thống đốc” đến từng TCTD trên địa bàn trong hành trình kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp, khơi mở môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ năm 2014 đến nay.
Các hợp đồng tín dụng đã được ký kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngay trong các hội nghị đối thoại |
NHNN vào vai trung tâm kết nối
Còn nhớ những ngày tháng mới triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, nỗi lo NHTM đua nhau huy động để cho vay đã giảm, nhưng NHNN Chi nhánh Nam Định lại bận rộn hơn khi đồng thời phải làm hai việc, vừa đôn đốc các ngân hàng xử lý nợ xấu để đảm bảo an toàn hoạt động, vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Song quan trọng hơn là bản thân doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng chững lại, khiến dòng vốn của ngân hàng muốn đẩy ra thị trường cũng khó khăn.
Chính vì vậy, “NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động cùng các TCTD kết nối chính quyền địa phương để nắm bắt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều sở, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ nguồn vốn, đến các nút thắt trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tiếp cận vốn”, Giám đốc NHNN Chi nhánh Nam Định Trần Mạnh Hùng cho biết.
Định hướng “chia lửa” cùng doanh nghiệp từ NHNN tỉnh ngày càng rõ hơn trong đời sống với việc các TCTD đã giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ. Các chi phí tiếp cận vốn cũng được tiết giảm cùng sự nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của các TCTD cho nền kinh tế từ đó tạo sự gắn bó, chia sẻ, đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 5 hội nghị đối thoại, kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với khoảng 1.700 lượt doanh nghiệp tham gia chương trình, tại các hội nghị có nhiều ý kiến được trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thiết thực, ngay sau hội nghị đã tổ chức ký kết được 34 hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp với tổng giá trị cam kết cho vay là 3.082 tỷ đồng.
Quy mô hội nghị đối thoại và kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, không dừng lại ở các hội nghị cấp tỉnh, mà đi vào từng phân khúc nhu cầu, địa bàn khi NHNN cùng các TCTD kết nối đến UBND huyện để tiếp cận và gỡ khó cho doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội nghị kết nối. Trực tiếp Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định đã làm việc với lãnh đạo UBND một số huyện như Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh để phối hợp triển khai chương trình này...
Song hành với hội nghị là các chương trình khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng, lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng cần tiếp tục được tháo gỡ…
NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn chủ động tổ chức các hội nghị khách hàng, các buổi tọa đàm với doanh nghiệp để thông tin, phổ biến kịp thời về cơ chế, chính sách tín dụng, cũng như trao đổi, giải đáp, thực hiện các ý kiến, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, công khai các hợp đồng tín dụng ký kết giữa NHTM với các doanh nghiệp.
Tận dụng mọi cơ hội hỗ trợ DN
Những động lực này đã đưa con số các khách hàng tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp theo báo cáo của các NHTM từ năm 2014 đến nay lên 248 khách hàng, tổng số hợp đồng đã ký kết là 264. Trong đó có 208 hợp đồng tín dụng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng, tổng trị giá cam kết giải ngân 4.717 tỷ đồng, kết quả đã thực hiện giải ngân là 3.454 tỷ đồng, bằng 73% so với cam kết, lãi suất cho vay được các NHTM áp dụng ở mức hợp lý, được doanh nghiệp chấp nhận và thoả thuận. 56 hợp đồng tín dụng với dư nợ 469 tỷ đồng được cam kết điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ.
Sản xuất tại CTCP Lâm sản Nam Định |
Kết quả kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp thêm lan tỏa cùng với việc các TCTD lồng ghép các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Như chương trình cho vay phát triển thủy sản, trong tổng số 50 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, doanh nghiệp đã nhận 34 hồ sơ, ký hợp đồng cho vay 33 tàu, tổng giá trị cam kết cho vay là 519 tỷ đồng, đã giải ngân theo khối lượng thực tế là 506 tỷ đồng, số tiền còn dư nợ 492 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản; Chương trình cho vay công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015.
“Các hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân từ đầu Chương trình kết nối đến nay đều được các doanh nghiệp đánh giá là có tác động tích cực giúp họ khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sử dụng vốn vay có hiệu quả, không phát sinh nợ xấu. Qua tổng hợp, đánh giá của Hiệp hội DNNVV trên địa bàn, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng thuận, không có đề xuất, kiến nghị với hoạt động ngân hàng”, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định Trần Mạnh Hùng cho biết.
Dư nợ tín dụng khu vực doanh nghiệp vì thế đã tăng trưởng đáng kể trong 3 năm qua, đến 31/5/2017 là 16.457 tỷ đồng tăng 58,7% so với năm 2014 và chiếm 38,9% tổng dư nợ trên địa bàn.
Nhìn lại các hội nghị kết nối trên địa bàn tỉnh Nam Định, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện và doanh nghiệp đều đánh giá cao sự tích cực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình, thực chất là sự tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các giải pháp Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức độ yếu vì chưa có nhiều dự án mới, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm hoặc còn khó khăn về định hướng sản xuất, kinh doanh. Từ thực tế này, Chi nhánh NHNN Nam Định đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 với quan điểm “Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trên cơ sở lắng nghe ý kiến, sẵn sàng đối thoại, giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp”, Giám đốc Hùng cho biết.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, phản ánh kịp thời về NHNN Việt Nam để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt vào cuộc để tạo sự thông thoáng về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt là cùng với việc tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại các huyện sẽ mở rộng thêm đối tượng là hợp tác xã trang trại, hộ gia đình, NHNN Chi nhánh Nam Định và các TCTD trên địa bàn mong muốn góp phần nhiều hơn vào mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lên con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ.