Khoảng trống sở hữu trí tuệ trong nông sản Việt
Khởi nghiệp từ nông sản sạch | |
Sở hữu trí tuệ: Chế tài nhiều nhưng xử lý chưa mạnh |
Tại Việt Nam, mỗi năm có đến vài chục chương trình kết nối thương mại nông sản của nhiều đơn vị. Tại các cuộc gặp gỡ này, hầu hết đều có đủ mặt các hệ thống siêu thị lớn nhất như Sài Gòn Co.op, Vinmart, Aeon và Big C. Ngoài ra còn có các chuỗi cửa hàng tiện lợi, các thương nhân làm xuất khẩu nông sản.
Thế nhưng, cứ mỗi năm lại có một vài loại nông sản kêu cứu, nhà nông biến thành con nợ. Một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị động chính là chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản.
Nông sản Việt chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ |
Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ một cách hiệu quả cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực góp phần quan trọng phát triển kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho 852 đối tượng có dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý, 189 nhãn hiệu chứng nhận và 602 nhãn hiệu tập thể. Con số này rất ít so với gần 800 sản phẩm nông lâm, thủy sản Việt có mặt trên thị trường.
Đặc biệt, trong số này, rất ít sản phẩm được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, kể cả những mặt hàng rất nổi tiếng như cà phê Ban Mê Thuột, thanh long Bình Thuận và vú sữa Lò Rèn. Hệ lụy của việc đó là nhiều mặt hàng nông sản đặc sản của Việt Nam bị giả mạo một cách tràn lan như gạo Nàng Thơm Chợ Đào và cá tra, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Nếu so sánh với một nước khu vực Đông Nam Á có lợi thế xuất khẩu nông sản tương đương Việt Nam là Thái Lan, thì sản phẩm nông sản đặc sản Việt Nam có sản lượng và chất lượng tương đương. Thế nhưng do địa phương, doanh nghiệp và nông dân không quan tâm đến đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nên Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á về số lượng sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý được bảo vệ; hoặc nhiều sản phẩm đã được đăng ký để bảo vệ tên và chỉ dẫn địa lý, nhưng không có tên thương hiệu và nhãn hiệu (chưa được xây dựng).
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Phát (tỉnh Long An) chuyên xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cho biết, Hoàng Phát là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu được trái thanh long sang thị trường Úc, với chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn EU.
Vì vậy, nông dân sản xuất tại tỉnh đã mua giống cây thanh long của Hoàng Phát để trồng. Sản phẩm trái thanh long của họ có chất lượng rất tốt, bán ra thị trường được giá nhưng nông dân không nghĩ đến việc phải trả tiền bản quyền giống cây trồng cho doanh nghiệp. Công ty đã có cơ quan ủy quyền can thiệp và xử lý nhưng thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và kinh phí.
Đây cũng là bài học cho thấy, nhà nông và doanh nghiệp Việt chưa chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên sản phẩm nông nghiệp (từ cây, con giống đến thành phẩm) không giữ được vị trí xứng tầm trên thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc trước mắt cần làm là phải tham vấn cho doanh nghiệp, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng. Hiện nay Việt Nam có khoảng 800 giống lúa và tồn tại thực tế trong sản xuất khoảng 100 giống; có gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Nếu có quyền sở hữu trí tuệ sẽ tăng khuyến khích sự phát triển nghiên cứu giống trong sản xuất nông nghiệp.