Phát triển tín dụng ưu đãi: Muốn bền vững phải có nguồn vốn ổn định
Vốn rẻ đang chảy đúng địa chỉ | |
Nâng cao chất lượng sống với chương trình tín dụng ưu đãi | |
Tín dụng ưu đãi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc |
Vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo trong suốt hành trình 15 năm qua một lần nữa đã được khẳng tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Ngân hàng Chính sách xã hội: 15 năm một chặng đường” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, sau 15 năm củng cố và phát triển với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao phó.
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN phát biểu chỉ đạo tại hội thảo |
Thành công của NHCSXH đó là đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) với cơ cấu nguồn vốn chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ NSNN, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn TDCS thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo TS. Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH, qua 15 năm xây dựng – phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh TDCS đặc thù ở Việt Nam.
Đến ngày 20/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 178.992 tỷ đồng, dư nợ các chương trình TDCS đạt 167.796 tỷ đồng với 6.707.968 hộ đang vay vốn. Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.416 tỷ đồng, chiếm 0,45% tổng dư nợ.
Có thể khẳng định thương hiệu của NHCSXH hiện đã trở nên thân thuộc với bà con nông dân, theo ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, dư nợ nhận ủy thác qua Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Dư nợ của 16 chương trình TDCS ủy thác qua Hội là 52.373 tỷ đồng (tăng 16,93 lần so với cuối năm 2003), chiếm tỷ trọng 32,4% tổng dư nợ NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Từ hàng loạt các hoạt động của Hội Nông dân, trong đó có ủy thác vay vốn NHCSXH đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo – Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, TDCS được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với nhiệm vụ tập trung vào cung cấp tín dụng hộ gia đình nông thôn thuộc đối tượng chính sách với quy mô vốn vay nhỏ, lãi suất ưu đãi, NHCSXH thời gian qua đã hoạt động tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn, hướng tới việc đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.
Thời gian tới, NHCSXH cần tập trung củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách; Đánh giá lại hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách hiện nay để có định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu quả thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện; Cần gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại. Như thế mới giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững. TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN |
Tập trung lo nguồn vốn
Qua 15 năm tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động của NHCSXH còn một số vấn đề đặt ra như: Nguồn vốn cho vay còn thiếu so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện TDCS còn chưa kịp thời và còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch NSNN hàng năm. NSNN còn cấp thiếu vốn điều lệ cho NHCSXH. Một số chương trình đã có hiệu lực nhưng chưa được NSNN bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với NHCSXH trước nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương…
TS. Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc NHCSXH phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ… của các tổ chức khác. Các loại hình tín dụng vi mô đa dạng khác để cùng tạo hiệu ứng giải quyết bài toán vốn tại chỗ cho người nghèo, đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cơ chế truyền tải vốn TDCS đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn khá hạn chế do giao thông gặp nhiều khó khăn, chi phí tổ chức thực hiện lớn hơn các vùng khác, số lượng cán bộ còn thiếu… đang đặt ra nhiều thách thức cho NHCSXH. Vì vậy, vấn đề quan trọng, được các nhà khoa học, các chuyên gia nêu ra tại hội thảo là phải làm sao đảm bảo nguồn vốn tương đối ổn định để NHCSXH phát triển cho vay trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình TDCS ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các TCTD Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định.
PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo cho rằng, bên cạnh nguồn tín dụng từ NSNN, NHCSXH phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế, như huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi phải đa dạng, hấp dẫn không chỉ về lãi suất mà cần có tính linh hoạt. Bên cạnh đó, NHCSXH cần tích cực tuyên truyền, quảng bá, phân tích những ích lợi từ việc gửi tiền tiết kiệm để các cá nhân, tổ chức mạnh dạn mở tài khoản và gửi tiền vào NH.
Muốn NH phát triển được thì phải có nguồn vốn, nhưng theo số liệu năm 2016, hiện nay vốn tự huy động của NHCSXH mới đạt tỷ lệ 7,4%; nguồn vốn tiền gửi 2% của NHTM là 44.000 tỷ đồng, từ phát hành trái phiếu 29.000 tỷ đồng, cộng hai nguồn này mới chiếm 51% tổng nguồn vốn. “Những giai đoạn đầu NHCSXH vẫn phải dựa vào những nguồn này và NSNN nhưng bây giờ ngân sách rất khó khăn. Vì vậy, cách gì để tạo nguồn vốn cho hoạt động?” – TS. Hà Thị Hạnh nguyên Tổng giám đốc NHCSXH băn khoăn.
Theo bà Hạnh, NHCSXH với lợi thế có hơn 100 nghìn Tổ TK&VV nên có thể sử dụng các tổ này làm đại lý huy động vốn. Huy động vốn ở đây không chỉ là cộng đồng người nghèo, mà còn có thể là cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn vì khu vực này vẫn còn khoảng trống. Để làm được việc này phải có phần mềm CNTT để theo dõi sát sao hạch toán, quản lý và phải trả phí huy động vốn cho các Tổ TK&VV. Có thể đưa ra chính sách nếu vốn huy động được tăng trưởng thì cho địa bàn đó tăng trưởng dư nợ để khuyến khích các địa phương huy động vốn.