Không chờ đợi khi có cơ hội!
Các ngân hàng Việt Nam: Cơ hội đầu tư tốt nhất châu Á | |
Cơ hội đầu tư theo kết quả kinh doanh | |
Thị trường đang mở ra cơ hội đầu tư dài hạn |
Theo báo cáo thị trường của Nielsen mới đây, tổ chức này chỉ ra những điểm đáng chú ý trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) mà nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần quan tâm. Đó là, doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh ở 6 thành phố lớn trong quý II/2016 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,9% của quý trước và cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua.
Báo cáo cũng cho thấy khu vực nông thôn là một tiềm năng cho ngành hàng tiêu dùng nhanh, với mức tăng trưởng của 12 tháng gần nhất đạt 7,6% trong khi khu vực thành thị chỉ đạt 6,3%.
Trong nhóm hàng FMCG, thức uống đóng góp nhiều nhất cho doanh số của ngành (khoảng 41%) và mức tăng trưởng trung bình đạt 9,2%/năm. Với ngành hàng thực phẩm và ngành hàng sữa, mỗi ngành đóng góp 15% vào doanh thu chung với mức tăng trưởng trung bình lần lượt là 4,7% và 4,0%.
Ảnh minh họa |
Cũng có những chỉ số tương đồng với điều tra thị trường của Nielsen, theo nghiên cứu của BMI (BMI Research), ngành công nghiệp thực phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh số bán hàng thực phẩm tăng 10,2% trong năm 2016 và tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.
Thu nhập của người dân Việt Nam vẫn thấp hơn các nước phát triển, vì vậy, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Với khoảng 6,1 triệu hộ sẽ ra khỏi diện nghèo trong giai đoạn 2015-2020 và nằm trong nhóm có thu nhập 5.000-10.000USD/năm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao, hứa hẹn cơ hội cho những công ty thực phẩm và thức uống có thương hiệu.
Đặc biệt, báo cáo BMI cũng cho thấy sự lạc quan về ngành sữa của Việt Nam. Sản xuất sữa được dự báo tăng 10% trong giai đoạn 2015-2016 và 2016-2017.
Từ những nghiên cứu thị trường trên, có thể thấy, cơ hội đầu tư và phát triển trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là ngành đồ uống, thực phẩm và sữa còn nhiều cho các DN. Do đó, các cổ phiếu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh được định hướng như là một kênh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong đó, cổ phiếu nổi bật trong ngành sữa là VNM với mức lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2016 tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2015.
EPS của năm 2016 ước tính khoảng 6.061 đồng, P/E là 22,6x. Trong năm 2017, doanh thu và lợi nhuận thuần sau thuế ước đạt 15,4% và 10%, EPS vào khoảng 6.652 đồng tương đương với P/E là 21,2x. Với triển vọng khả quan của ngành, VNM đang tích cực tăng khả năng chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào với kế hoạch xây dựng nông trại bò sữa đáp ứng từ 60%-70% nhu cầu sữa vào năm 2025. Như vậy, yếu tố ngành có thể nói là một điểm lạc quan đối với nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu VNM.
Cũng trong ngành đồ uống nhưng là thức uống có cồn cũng khá nổi bật. Theo đó, dự báo tăng trưởng trong chi tiêu cho các thức uống có cồn trong năm 2016 là 9%, và tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2015-2020 là 11,1%. Bia vẫn sẽ chiếm ưu thế trong mảng thức uống có cồn về mức doanh thu cũng như đóng góp vào doanh thu chung cho toàn ngành. Đặt trong toàn ngành FMCG, doanh thu từ bia đóng góp 22% với mức tăng trưởng trên 10% cho từng quý kể từ quý II/2015.
Chưa kể, tiêu thụ bia được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, lượng bia tiêu thụ trên đầu người ước tính 60,1 lít cho năm 2015 và dự báo sẽ tăng lên 83,3 lít vào năm 2020, mức tăng trưởng kép 6,7%. Những con số trên phần nào thể hiện được sự hấp dẫn của thị trường bia tại Việt Nam và cũng hứa hẹn nhiều sự quan tâm của giới đầu tư với việc thoái vốn và niêm yết của hai công ty đầu ngành Sabeco và Habeco, thuộc top 3 thị phần thị trường bia tại Việt Nam.
Giới chuyên môn vẫn khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng nên giữ tỷ trọng ở mức 50-50 đối với một số cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng nhanh. Ngược lại, đối với những nhà đầu tư mạo hiểm, có thể lựa chọn các cổ phiếu cơ bản và mức P/E còn thấp để mua vào nắm giữ, chờ cơ hội dài hạn...