Các ngân hàng Việt Nam: Cơ hội đầu tư tốt nhất châu Á
Ảnh minh họa |
Theo giả Andy Mukherjee, hiện các ngân hàng châu Á hoặc là quá nóng, hoặc là quá lạnh cho các nhà đầu tư.
Tác giả này cũng đưa ra 3 tiêu chí để các nhà đầu tư lựa chọn một ngân hàng. Thứ nhất là ngân hàng đó có tốc độ phát triển nhanh, nhưng vẫn còn nhỏ. Thứ hai, các khoản cho vay phải có chất lượng hợp lý, dù lợi nhuận vẫn còn thấp. Cuối cùng, ngân hàng đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhưng mức giá không quá cao.
Căn cứ trên các tiêu chí này, Andy Mukherjee đánh giá, các ngân hàng của Việt Nam là một trong những cơ hội đầu tư tốt nhất ở châu Á hiện nay.
Sở dĩ như vậy, theo tác giả này, là do nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có của mình sau khi giảm tốc trong năm 2012 và năm 2013; trong khi thị trường bất động sản cũng ổn định trở lại.
Đặc biệt là hệ thống ngân hàng đã có những cải thiện tích cực, gánh nặng nợ xấu căng thẳng 4 năm trước đây nay đã giảm xuống mức hợp lý; tăng trưởng tín dụng cũng đã tăng tốc trở lại; tổng tài sản cao hơn 25% so với cách đây 5 năm.
Một trong những yếu tố tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng Việt Nam là Việt Nam đang đa dạng hóa nhanh chóng giỏ thương mại của mình. Chẳng hạn xuất khẩu các sản phẩm điện tử những tháng đầu năm 2016 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, và đó là sau bước nhảy 36% trong năm 2015.
Nền kinh tế cũng hứa hẹn sẽ trở nên cạnh tranh hơn khi Nhà nước rút dần khỏi các doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử đầu tuần này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã công bố kế hoạch bán toàn bộ cổ phần của Nhà nước trong hai công ty bia hàng đầu.
"Đây đều là những điềm báo tốt cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam", Andy Mukherjee nhận định.
Andy Mukherjee là người giữ chuyên mục Bloomberg Gadfly chuyên phân tích về các công ty công nghiệp và dịch vụ tài chính. Trước đó, ông đã từng giữ chuyên mục Breakingviews cho Reuters. Ông cũng đã từng làm việc cho tờ Straits Times, ET NOW và Bloomberg News. |