Không sớm "xử" nợ xấu, không thể khơi thông nguồn vốn, khó giảm lãi suất
Một phần lớn nguồn lực đang bị ‘giam’ trong nợ xấu | |
3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu | |
Quyết tâm vượt qua cửa ải nợ xấu |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng rình bày Tờ trình (Nguồn: quochoi.vn) |
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trước Quốc hội chiều nay (22/5) theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)” ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
“Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc nói.
Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu...
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nếu các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
"Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết là phải bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý, giá đó có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây.
Lý giải nguyên nhân, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, do biến động của thị trường, giá bán khoản nợ, tài sản bảo đảm thực tế có thể thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ. Do đó, quy định này nhằm khẳng định rõ ràng trách nhiệm của người bán theo hướng nếu bán theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn giá ghi số thì người bán không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên người gây ra hậu quả dẫn đến nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật có liên quan.
Dự thảo Nghị quyết cũng mở rộng đối tượng mua bán nợ là các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31/12/2016.
Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, Uỷ ban Kinh tế đề nghị giao NHNN tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các TCTD quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ tiếp tục đánh giá, dự báo tác động đối với các quan hệ xã hội, cần cam kết đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn. Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng nợ xấu.
Dự thảo Nghị quyết gồm 18 điều quy định một số nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh và khái niệm nợ xấu; quyền chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và quyền xử lý tài sản bảo đảm...