Quyết tâm vượt qua cửa ải nợ xấu
Xử lý nợ xấu: Vẫn thiếu một cơ chế pháp lý đủ mạnh | |
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nắm bắt cơ hội, xử lý dứt điểm | |
Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu: Khoanh vùng điểm nóng của hệ thống NH |
Không “khoanh vùng” phạm vi nợ xấu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu (XLNX). Hồ sơ dự thảo Nghị quyết này bao gồm tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và những tài liệu kèm theo đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp khai mạc ngày 22/5 tới. Nhiều góp ý bổ sung được NHNN tiếp thu chỉnh sửa và có những quy định vẫn được cơ quan soạn thảo bảo lưu.
Đơn cử, Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ nợ xấu hiện có và nợ phát sinh trong giai đoạn có hiệu lực của Nghị quyết. Theo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc XLNX chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan và nợ xấu của các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, việc “khoanh vùng” phạm vi nợ xấu do nguyên nhân khách quan, hay chỉ XLNX hiện tại không phù hợp và có thể ảnh hưởng hiệu quả của XLNX. Vì nợ xấu hiện tại chỉ chiếm hơn 50%, gần 50% còn lại là nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
Khó khăn nhất cũng là chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình XLNX của TCTD thời gian qua đó là quyền xử lý TSBĐ |
Hơn nữa, nợ xấu của TCTD được kiểm soát đặc biệt chỉ chiếm khoảng 30% nợ xấu của toàn hệ thống, 70% số nợ xấu còn lại là nợ xấu của TCTD khác. Như vậy, nếu không áp dụng nghị quyết đối với 70% nợ xấu thì khó thực hiện được mục tiêu xử lý nhanh, triệt để nợ xấu, bảo đảm quyền chủ nợ. Mặt khác, quy định trên sẽ tạo ra sự phân biệt, không công bằng khó khuyến khích được nhà đầu tư tham gia mua bán nợ xấu. Theo đó, mục tiêu thúc đẩy thị trường mua bán nợ cũng sẽ gặp khó khăn.
Một trong những quy định được nhiều ý kiến đề xuất cần thiết phải bổ sung đã được cơ quan soạn thảo đưa vào Dự thảo Nghị quyết đó là quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường. Đã có rất nhiều phân tích khẳng định mua bán nợ xấu theo giá thị trường tức là mua đứt, bán đoạn giải quyết triệt để nợ xấu. Khúc mắc ở chỗ là về nguyên tắc, giá bán nợ và tài sản bảo đảm tại thời điểm xử lý có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của các khoản nợ. Khi giá bán thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ tức là TCTD không thu hồi đầy đủ nợ gốc làm hiện thực hóa khoản lỗ, buộc TCTD ngay lập tức phải trích lập DPRR cho các khoản nợ này. Đi kèm với nó là việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến khoản lỗ trên, dẫn đến tâm lý e ngại của các TCTD, cá nhân cán bộ NH, và cả VAMC không dám thực hiện bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá thị trường.
Để giải tỏa tâm lý thị trường, tại Điều 5, Dự thảo Nghị quyết đã quy định TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX được quyền bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu theo giá thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Quy định này, theo cơ quan soạn thảo nhằm khẳng định rõ ràng trách nhiệm của người bán theo hướng: nếu bán theo đúng quy định thì có thấp hơn giá ghi sổ thì họ không phải chịu trách nhiệm. Còn người gây ra hậu quả dẫn đến nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết cũng cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng DPRR đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng TPĐB sang mua theo giá thị trường. Quy định này chắc chắn tác động tích cực hoạt động NH. Bởi lợi ích rõ nhất nhìn thấy ngay là khi bán nợ theo giá trị thị trường TCTD thu bằng tiền tươi thóc thật tiếp tục quay vòng cho vay mới mở rộng đầu tư, cải thiện khả năng sinh lời cho TCTD. Đồng thời, việc cho phép chuyển đổi trên giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường bảo đảm nguyên tắc thị trường trong XLNX.
Quyết tâm vượt mọi chướng ngại vật
Khó khăn nhất cũng là chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình XLNX của TCTD thời gian qua đó là quyền xử lý TSBĐ đã được cơ quan soạn thảo phân tích cặn kẽ trên từng khía cạnh và được cụ thể hóa bằng các quy định khá chặt chẽ. Dự thảo quy định cho phép TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX được quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu nhưng phải hội tụ đủ các điều kiện đảm bảo cho quyền thu giữ TSBĐ. Yêu cầu này không chỉ tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ì chống đối kéo dài thời gian xử lý, nâng cao kỷ luật hợp đồng… thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, mà còn đảm bảo không phát sinh việc TCTD hay thậm chí cả VAMC lạm dụng quyền thu giữ trên.
Một quy định được đánh giá có sức nặng giá trị rất lớn đối với các TCTD nói riêng, quá trình XLNX nói chung đó là quy định phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD. TS. Lê Xuân Nghĩa - một trong những người tiên phong cảnh báo góc khuất nợ xấu chính là khoản lãi dự thu NH khẳng định, đây có thể là điểm cốt tử trong vấn đề XLNX và điều các NH đang mong mỏi nhất hiện nay.
Trong hệ thống các TCTD hiện nay có tình trạng, một lượng lớn khoản vay đã là nợ xấu không thu được lãi nhưng vẫn ghi lãi trên sổ sách. Vì vậy, khi phải thoái lãi dự thu ngay một lúc, không loại trừ sẽ có thêm những trường hợp NH lỗ âm vào vốn chủ sở hữu. Để tránh “cú sốc” lớn cho TCTD, dự thảo Nghị quyết quy định: TCTD được phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm phù hợp với chênh lệch thu chi nhưng thời hạn phân bổ tối đa không quá 10 năm.
Riêng đối với lãi dự thu phải thoái của các khoản nợ bán cho tổ chức mua bán và XLNX, thời gian phân bổ lãi dự thu tối đa không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu của tổ chức mua bán và XLNX. TCTD chỉ được phân bổ dần số lãi dự thu được ghi nhận đến thời điểm 31/12/2016. Còn thời hạn phân bổ chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán khoản nợ tối đa không quá 5 năm. Như vậy, các TCTD đang nặng gánh vì lãi dự thu sẽ có cơ hội, thời gian để cân đối chi phí và kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn tại.
Đến thời điểm này, phải khẳng định rằng, để xử lý được hơn 600.000 tỷ đồng nợ xấu mà không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước là việc rất khó khăn. Ngân sách không có thì phải có cơ chế làm điểm tựa để hệ thống NH ra các quyết sách xử lý, giải phóng nguồn lực đang kẹt trong nợ xấu và tiềm ẩn thành nợ xấu, tạo điều kiện cho các NH giảm lãi suất, tiết giảm chi phí cho nền kinh tế, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế…
Nếu được thông qua, Nghị quyết trên sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017 trong thời hạn 5 năm sẽ là một cú huých mạnh, gỡ bỏ mọi rào cản tạo những chuyển biến lớn về chất cho không chỉ hệ thống NH mà cả nền kinh tế.