Không thể “trốn” không chia cổ tức cho phần vốn nhà nước
Các tập đoàn, tổng công ty phải trình kế hoạch thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm | |
Thoái vốn nhà nước lãi gần 9,09 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm |
Từ đầu năm đến nay, mới có 19 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần, tiến độ này thậm chí còn chậm hơn năm 2016. Thoái vốn cũng chậm, đến hết tháng 5, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.445 tỷ đồng và thu về 14.806 tỷ đồng nhưng trong đó phần lớn (11.000 tỷ đồng) là số thu từ việc bán vốn tại Vinamilk đã được thực hiện cuối năm ngoái.
Thoái vốn, cổ phần hóa chậm một phần do khó khăn thị trường và khả năng hấp thụ thị trường, bên cạnh đó có những vướng mắc về việc đấu giá cổ phần nhà nước, bán cổ phần theo lô… “Nhưng nguyên nhân quan trọng do tâm lý e dè lo ngại sợ chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó là tâm lý chờ đợi vướng mắc được tháo gỡ”, ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết.
Dự án Đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án thua lỗ lớn đang khó xử lý |
Và trong số 240 DNNN cần phải cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020, là những DN lớn và nhiều DN có tình hình tài chính phức tạp. Quy mô DN càng lớn, tài chính phức tạp, khi cổ phần hóa sẽ càng phải bóc tách “sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại khiến người đứng đầu các DN có tư tưởng sợ, né trách nhiệm và cố lần lữa”, theo ông Tiến.
Để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy trách nhiệm người đứng đầu trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 91/NĐ-CP/2015 quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý sử dụng vốn tài sản tại DN. Dự thảo có 6 nội dung sửa đổi lớn về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của DNNN tại DN khác, sửa đổi quy định xác định giá khởi điểm, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn, bổ sung quy định về trách nhiệm người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức lợi nhuận được chia vào ngân sách.
Ông Tiến tin tưởng rằng khi nghị định mới này được ban hành, là đã có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa sẽ nhanh hơn, yên tâm hơn không phải rụt rè lo ngại “chưa có cơ sở pháp lý nên chưa dám làm”.
Dự thảo nghị định khẳng định: việc chuyển nhượng vốn nhà nước và vốn của DNNN tại CTCP là để nhà nước rút bớt vốn tại DN chứ không phải là bán thêm cổ phần ra công chúng. Không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty đại chúng.
Việc chuyển nhượng vốn của DNNN tại NHTM, đối với người nhận chuyển nhượng trước khi trở thành người sở hữu phần vốn nhà nước chuyển nhượng tại các NHTM cổ phần phải đảm bảo các điều kiện quy định của NHNN. Chủ sở hữu có vốn chuyển nhượng chịu trách nhiệm công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện theo quy định của pháp luật cho nhà đầu tư biết khi thực hiện chuyển nhượng vốn tại NHTM.
Một trong những điều lo ngại có thể làm thất thoát tài sản nhà nước do bán dưới mệnh giá khiến nhiều DN e ngại sợ trách nhiệm nên chần chừ không bán, không thoái vốn nhà nước. “Vì vậy xác định giá phải làm rất chặt chẽ, vì thế đã có sửa đổi trong dự thảo nghị định”, ông Tiến cho biết. Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn thông qua DN có chức năng thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất của DN. Việc xác định giá khởi điểm không quá 6 tháng.
Dự thảo có nội dung: nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn thực góp trong vốn điều lệ tại DN. Với cổ phần thuộc vốn nhà nước, vốn của DNNN đã lưu ký chứng khoán thì việc chuyển nhượng theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên hệ thống giao dịch hoặc đấu giá công khai. Với cổ phần chưa lưu ký chứng khoán thì bán thỏa thuận hoặc đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch. Về phương thức chào bán cạnh tranh, “đây là phương thức nhằm tìm kiếm nhà đầu tư để bán hết số lượng cổ phần tương ứng với số vốn đã đầu tư tại CTCP chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán sau khi đã đấu giá công khai.
“Có những DN chia cổ tức cho cổ đông nhỏ (trong đó có cả lãnh đạo và người điều hành DN) mà không chia cổ tức cho phần vốn nhà nước tại DN”, ông Tiến cho biết. Theo quy định phần cổ tức được chia này sẽ thu về ngân sách nhà nước. Nhưng nhiều DN không chi trả cho nhà nước với lý do “để tăng vốn điều lệ”.
Để bảo đảm quyền lợi của nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức lợi nhuận được chia vào ngân sách. “Phải chia cổ tức cho phần vốn nhà nước, không chia thì phải có ý kiến”, ông Tiến cho biết. Dự thảo đã bổ sung quy định tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại DN và điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Quy định này sẽ tránh trường hợp một số DN muốn tăng vốn bằng lợi nhuận để lại nhưng ở góc độ nhà nước, việc tăng vốn này đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ tăng quy mô vốn sở hữu tại DN đó.
Ông Tiến cho biết với những quy định bổ sung trong dự thảo nghị định này sẽ là cơ chế để xử lý 12 DN thua lỗ. Trong trường hợp nếu đã thành CTCP thì thoái vốn, hoặc có thể bán 100% qua đấu giá. Ví dụ dự án thép có thể cho đấu giá 100% bao gồm cả nhà máy, đất đai và mỏ...