Kiểm soát lạm phát đã chủ động hơn
Bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang trở lại “quỹ đạo” tăng mạnh, khả năng khống chế được lạm phát cả năm vẫn trong tầm tay. “Chúng ta có dư địa để kiểm soát lạm phát không quá 5% trong năm nay”, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), bà Đỗ Thị Ngọc cho biết.
Thông tin trên là đáng chú ý, trong bối cảnh CPI bình quân mỗi tháng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,34%, nhưng tháng này con số đã lên đến 0,54%. Với đà tăng giá những tháng cuối năm thường cao hơn, việc chỉ còn 3 tháng nữa để CPI 9 tháng đang ở mức tăng 3,14% được khống chế dưới 5% cũng có thể coi là một thách thức. Nhưng theo quan điểm của cơ quan thống kê, dù cho chỉ số giá có tăng cao nhưng đó là điều hoàn toàn có thể tiên lượng được.
Trong tháng 9, giá dịch vụ giáo dục tăng đồng loạt tại 53 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng việc tăng giá nhóm giáo dục đã đóng góp tới 0,42% vào mức tăng chung của CPI. Nói cách khác, nếu không có chính sách tăng giá dịch vụ này thì lạm phát không có nhiều đột biến.
Không chỉ có dịch vụ giáo dục, trên thực tế, rất nhiều tháng CPI tăng tương đối cao trong năm nay có “dấu ấn” của bàn tay chính sách. Vào tháng 3 năm nay, CPI đột nhiên tăng rất cao do hàng loạt dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá từ 2-7 lần. Nhưng cũng do yếu tố tăng giá dịch vụ y tế, CPI tháng 8 vừa qua lại chỉ tăng rất thấp. “Đối với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, Tổng cục Thống kê có tư vấn Bộ Y tế chỉ điều chỉnh tăng ở 16 tỉnh, thành phố, nên kết quả CPI tháng 8 chịu tác động không nhiều”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Vũ Thị Thu Thủy cho biết.
Soát xét lại 9 tháng vừa qua, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đóng góp tới 1,09%, giáo dục góp khoảng 0,28% vào mức tăng CPI 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ (2,07%). Như vậy, lạm phát do chính sách có đóng góp khá lớn. Trong khi đó, nhiều hàng hóa, dịch vụ khác cũng có biến động giá mạnh. “Do chúng ta có lộ trình đưa một số sản phẩm, dịch vụ theo giá thị trường, nên điều hành kiểm soát lạm phát cũng tính đến yếu tố thị trường”, bà Ngọc cho biết thêm. Chẳng hạn như xăng dầu, tính đến 15/9 mặt hàng xăng đã có 8 lần giảm giá và 7 lần tăng giá, nhưng tác động đến CPI về cơ bản không nhiều.
“Kiểm soát lạm phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có điều hành rất sát sao”, bà Thủy lưu ý chi tiết này. Theo đó, vai trò của các cơ quan quản lý trong vấn đề này cũng được thể hiện rất rõ nét. Ở góc độ thị trường, ngành công thương phối hợp với nhiều ngành liên quan đã có chỉ đạo DN thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường trong các dịp lễ, tết. Kết quả là ngay cả trong giai đoạn Tết Nguyên đán vừa rồi, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác bình ổn giá tại nhiều địa phương. “Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường thế giới và trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, bà Ngọc bình luận.
Ở góc độ điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ cũng thể hiện vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Bình quân 9 tháng năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 1,81% so với cùng kỳ, trong khi CPI tăng tương ứng 2,07%, theo Tổng cục Thống kê cho biết. “Lạm phát cơ bản khá ổn định, dao động hẹp, cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ khá chủ động để ổn định giá trị đồng tiền”, bà Ngọc nhận xét.
Còn về điều hành, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc điều hành lãi suất, tỷ giá của NHNN trong thời gian qua là linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Trong đó, việc áp dụng tỷ giá trung tâm như một công cụ điều hành theo ngày đã giúp cho tỷ giá bám sát diễn biến cung, cầu ngoại tệ.
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng: Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 9 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định. Theo đó, đã giảm được hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ găm giữ, đầu cơ trong thời gian qua. Vì vậy, dự trữ ngoại tệ tăng lên, góp phần nâng cao niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài…
Nhìn về phía trước, thách thức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra vẫn còn rất lớn. Các nhân tố có thể tác động tăng lạm phát từ nay đến cuối năm là dịch vụ y tế còn tăng, giá xăng dầu trong xu hướng biến động mạnh, tiêu dùng “nở” ra dịp cuối năm, đồng thời việc tăng tốc đầu tư và sản xuất kinh doanh… để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm có thể tạo sức ép lên lạm phát. Tuy nhiên khống chế tầm vĩ mô, NHNN cũng đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục chủ động và linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
“Lạm phát điều hành ở mức 5% là phù hợp với nền kinh tế hiện tại của nước ta”, bà Ngọc nói thêm.