Kiên định lộ trình chống đôla hóa
Chống đôla hóa, tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu | |
Cuộc chiến chống đôla hóa vẫn còn tiếp diễn | |
Ổn định vĩ mô - nền tảng chống đôla hóa |
Ngày 28/12/2018, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.
Việc được vay ngoại tệ sẽ giúp DN xuất khẩu tiết giảm được chi phí vốn |
Theo đó, Thông tư 42 sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay theo hướng tách thành các nội dung chi tiết.
Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay cũng chỉ thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Chỉ riêng cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay là được thực hiện không giới hạn về thời gian.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc NHNN đưa ra quy định trên nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp dần các đối tượng được vay để chống đôla hóa trong nền kinh tế.
Một điểm đáng lưu ý nữa tại Thông tư 42, NHNN dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu mà theo quy định hiện hành (tại Thông tư số 18/2017/TT-NHNN) là được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.
Theo NHNN Việt Nam, quy định này nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đôla hóa của Chính phủ và NHNN do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế vì ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng.
Quả vậy đi kèm với quy định trên, Thông tư cũng yêu cầu: “Khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ”.
Thông tư 42 cũng quy định cụ thể hơn về đồng tiền trả nợ. Cụ thể, đối với khoản vay bằng ngoại tệ mà tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, TCTD thẩm định khách hàng vay có đủ nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay được thực hiện như sau: Khách hàng vay bằng ngoại tệ nào thì phải trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng ngoại tệ đó; trường hợp trả nợ bằng ngoại tệ khác, thì thực hiện theo thoả thuận giữa TCTD và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Trường hợp khi đến hạn trả nợ vay, khách hàng vay chứng minh được do nguyên nhân khách quan dẫn đến nguồn ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay bị chậm thanh toán, khách hàng vay không có hoặc chưa có đủ ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác để trả nợ vay, thì khách hàng vay được mua ngoại tệ tại TCTD cho vay hoặc tại TCTD khác để trả nợ vay.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ tại TCTD cho vay thì TCTD cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng. Trường hợp khách hàng vay mua ngoại tệ tại TCTD khác thì TCTD bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho TCTD cho vay. Khách hàng vay phải bán ngoại tệ cho TCTD đã bán ngoại tệ trong trường hợp nhận được ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với khoản vay bằng ngoại tệ mà tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, TCTD thẩm định khách hàng vay không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay: Khách hàng vay được mua ngoại tệ tại TCTD cho vay hoặc tại TCTD khác để trả nợ vay.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ tại TCTD cho vay thì TCTD cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng. Trường hợp khách hàng vay mua ngoại tệ tại TCTD khác thì TCTD bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho TCTD cho vay. Khách hàng vay phải bán ngoại tệ cho TCTD đã bán ngoại tệ trong trường hợp nhận được ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thông tư 42 có bổ sung thêm quy định chuyển tiếp. Cụ thể, đối với các hợp đồng tín dụng áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà các thỏa thuận cho vay từng lần được ký kết kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD và khách hàng vay thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Ngoài trường hợp được quy định như trên, các hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo nội dung đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết. Trường hợp thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Việc ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN được đánh giá phù hợp, cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Những quy định mới tại Thông tư 42 như tách bạch các quy định cho vay ngoại tệ, cũng như đưa ra lộ trình cụ thể chấm dứt việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn, trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia là rất sáng suốt. Vì phần lớn tiền gửi ngoại tệ là ngắn hạn. Dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện đáng kể, nhưng so với các nước lớn trên thế giới vẫn còn mỏng và thanh khoản ngoại tệ nhạy cảm hơn so với nội tệ.
“Chủ trương NHNN vẫn chấp thuận cho vay ngoại tệ chủ yếu là để đảm bảo nhu cầu thanh toán thương mại và hoạt động này diễn ra trong thời gian ngắn. Còn vay trung, dài hạn thường phần nhiều là đầu tư. Nếu mà đầu tư thì các DN phải tự lo, tìm ở các kênh khác không thể dựa dẫm vào ngân hàng được”, vị này bổ sung thêm quan điểm đồng tình đối với chủ trương mới về cho vay ngoại tệ.