Ổn định vĩ mô - nền tảng chống đôla hóa
>> Bài 1: Chống đôla hóa: Hiệu quả, nhưng mới chỉ dựa vào CSTT
Nếu chỉ dựa vào CSTT…
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 98/2007/QĐ -TTg (Quyết định 98) phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế. Quyết định 98 bao gồm 36 giải pháp thì có đến 29 giải pháp liên quan tới nhiệm vụ của NHNN.
“Nhiệm vụ chống đôla hóa chủ yếu đặt nặng lên vai NHNN, trong khi giải pháp phối hợp của các bộ, ngành khác còn khá mờ nhạt. Chống đôla hóa đang chủ yếu dựa vào CSTT. Nhưng CSTT thì luôn phải linh hoạt với diễn biến thị trường, nên những kết quả chống đôla hóa khó bền vững được”, một chuyên gia phân tích.
Vì vậy, ngoài các giải pháp về chính sách tiền tệ (CSTT) thì chống đôla hóa còn phụ thuộc vào chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư.
Khi lạm phát tăng cao, người dân thường có xu hướng tích trữ ngoại tệ để bảo toàn giá trị
Đơn cử, sự dàn trải, không hiệu quả trong đầu tư công; thâm hụt ngân sách ở mức cao và triền miên khiến cho đầu tư luôn lớn hơn tiết kiệm trong tổng thể nền kinh tế, làm mất cân đối vĩ mô dẫn đến nguy cơ lạm phát cao. Khi VND bị mất giá, người dân sẽ có xu hướng bảo toàn giá trị tài sản bằng cách chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, dẫn tới tình trạng đôla hóa cao hơn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chúng ta chủ trương chống đôla hóa từ lâu, nhưng một số chính sách vẫn gián tiếp làm cho tình trạng đôla hóa gia tăng. “Chẳng hạn với quy định DN khai thác dầu khí có nguồn thu bằng ngoại tệ được phép nộp thuế bằng ngoại tệ. Như vậy là trái với quy định như trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam”, chuyên gia này bình luận thêm.
Được biết, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới và những bài học thực tiễn trong công tác chống đôla hoá ở Việt Nam trong thời gian qua, hệ thống các giải pháp của Đề án chống đôla hoá do NHNN soạn thảo lần này được xây dựng trên cơ sở phối hợp đồng bộ 3 nhóm giải pháp cơ bản: Nhóm giải pháp về ổn định vĩ mô; nhóm giải pháp dựa trên nguyên tắc thị trường; và nhóm giải pháp hành chính.
Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Đề án khi đã đưa ra được một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, có sự phối hợp toàn diện của các bộ, ngành thông qua các công cụ CSTT, chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, thương mại…
Theo đó, nhóm giải pháp ổn định vĩ mô được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng cho việc chống đôla hóa. Để thực hiện tốt nhóm giải pháp này, cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thương mại một cách chặt chẽ, linh hoạt nhằm mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, tăng cường niềm tin của người dân đối với VND…
Nhóm giải pháp dựa trên nguyên tắc thị trường được định hướng nhằm: Tạo lợi ích kinh tế thấp và sự bất tiện khi sử dụng ngoại tệ; đồng thời, tăng lợi ích nắm giữ và sử dụng VND; phát triển thị trường các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá, giảm động cơ găm giữ ngoại tệ do lo ngại trượt giá. Nhóm giải pháp hành chính theo hướng: Tăng cường quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn theo lộ trình, đặc biệt là giám sát dòng vốn ngắn hạn.
Lộ trình đến năm 2020
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chừng nào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô chưa phát huy rõ hiệu quả trên thực tế thì việc thực hiện các nhóm giải pháp hành chính cũng chỉ mang tính tình thế với kết quả hạn chế.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, không thể thiếu các biện pháp hành chính được thực hiện song song với những giải pháp dựa trên nguyên tắc thị trường nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những bất ổn có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối.
Được biết, một lộ trình với những bước đi phù hợp và những cái đích cần đạt tới đã được vạch rõ trong Đề án chống đôla hóa nền kinh tế.
Theo đó, CSTT được điều hành chủ động và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với mục tiêu giảm đôla hóa trong nền kinh; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ theo hướng từng bước giảm dần bội chi ngân sách về mức dưới 4,5% GDP vào cuối năm 2015 và khoảng 4% GDP trong giai đoạn 2016 – 2020; hạn chế tối đa việc sử dụng dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu chi ngân sách Nhà nước.
Về nợ công, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay nước ngoài, hạn chế việc Chính phủ vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh cho các DN. Thực hiện giám sát chặt chẽ, có cơ chế phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Đồng thời, phải cơ cấu danh mục nợ theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài…
GS.TS. Andreas Hauskrecht - người có nhiều năm nghiên cứu và tham gia tư vấn chính sách cho quá trình chống đôla hóa của Việt Nam cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm tình trạng đôla hóa ở Việt Nam là củng cố vị thế và ổn định được giá trị đối nội và đối ngoại của VND.
Việt Nam phải giảm được lạm phát kỳ vọng và ổn định được tỷ giá danh nghĩa giữa VND và USD; tạo ra mức lãi suất làm cho VND trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời, để chống đôla hóa thành công cần phải giảm dần tín dụng bằng USD, cũng như hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế…
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là mục tiêu chống đôla hóa không thể đạt được trong thời gian ngắn, cần phải có một chiến lược dài hơi. Bởi vậy, Đề án Chống đôla hóa trong nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 khắc phục cơ bản tình trạng đôla hóa ở Việt Nam có thể được coi là bản kế hoạch tổng thể cho việc thực hiện chiến lược dài hơi này.
Mục tiêu và lộ trình thực hiện của nhóm giải pháp ổn định vĩ mô (nhóm giải pháp mang tính quyết định trong chống đôla hóa) được xây dựng theo hướng bám sát Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài 2010 – 2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030; Và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015. |
Nhóm PV chuyên đề