Cuộc chiến chống đôla hóa vẫn còn tiếp diễn
Những năm trước đây, sự suy giảm niềm tin vào giá trị đồng bản tệ (Việt Nam đồng) đã tác động đến tâm lý người dân, khiến tình trạng nắm giữ vàng, đôla tăng lên. Không chỉ được sử dụng như một phương tiện cất trữ, vàng và đôla thậm chí còn được dùng để định giá hàng hóa, mua bán các tài sản lớn, đặc biệt là nhà đất.
Hậu quả tất yếu dẫn tới tình trạng đôla hóa diễn biến phức tạp. Đã có cả một thời gian dài căn bệnh đôla hóa trong nền kinh tế Việt Nam trở thành một vấn nạn nhức nhối mà chưa có thuốc đặc trị.
Thị trường giao dịch bất động sản là một trong những thị trường giao dịch có dấu hiệu đôla hóa mạnh nhất. Việc định giá và hầu hết các giao dịch đều căn cứ vào vàng hoặc đôla. Thậm chí các nhà đầu tư, sàn giao dịch bất động sản còn ngang nhiên niêm yết giá bất động sản bằng đồng đôla và yêu cầu người mua nếu trả bằng tiền đồng Việt Nam sẽ căn cứ vào tỷ giá của thị trường tại thời điểm thanh toán.
Một mảng kinh doanh khác cũng bị đôla hóa mạnh đó là bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, nhất là ô tô, xe máy, đồ điện tử, kỹ thuật số… Dễ nhận biết nhất là tại các trang web, các cửa hàng bán các sản phẩm nhập khẩu... Mọi thanh toán đều căn cứ vào đồng đôla.
Nếu khách hàng trả bằng tiền đồng thì sẽ được quy đổi theo tỷ giá thị trường trong ngày. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do hầu hết các cửa hàng đều nhập hàng bằng ngoại tệ nên họ lý luận là để tránh bị lỗ khi tỷ giá biến động, các mặt hàng bán ra cần phải định giá bằng đồng đôla.
Thậm chí, tại nhiều khu du lịch nổi tiếng có đông khách du lịch nước ngoài, các cửa hàng tư nhân còn ngang nhiên niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Việc giao dịch bằng ngoại tệ trở thành một điều hiển nhiên và thậm chí các bảng niêm yết giá bán hàng, dịch vụ cũng được đề rõ bằng đồng đôla và các đồng ngoại tệ mạnh. Các cửa hàng, khách sạn tại các khu vực này sẵn sàng thu của khách nước ngoài bất cứ loại tiền mặt ngoại tệ nào.
Tình hình lạm phát gia tăng cộng hưởng với tình trạng đôla hóa khiến cho quá trình khôi phục nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Vai trò của NHNN trong việc kiềm chế lạm phát cũng theo đó mà giảm sút. Bởi vì Ngân hàng Trung ương chỉ tác động lên đồng nội tệ mà không thể tác động lên các đồng ngoại tệ khác. Chính vì vậy sẽ diễn ra tình trạng khó kiềm chế lạm phát.
Hơn nữa, tình trạng đôla hóa sẽ khiến cho nền kinh tế của chúng ta bị mất tính độc lập. Kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới bất ổn thì nền kinh tế nước ta cùng các nước bị đôla hóa sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn những nước khác.
Tình trạng đôla hóa dẫn đến nhu cầu nội tệ không ổn định khiến Ngân hàng Trung ương không phán đoán được chính xác lượng tiền đồng. Bất kỳ tình trạng thiếu hay thừa đồng nội tệ đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt khi một nền kinh tế bị đôla hóa toàn phần thì các chức năng của Ngân hàng Trung ương sẽ không còn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này đã được hạn chế khá nhiều do sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng cũng như các quy định xử phạt ngày càng nghiêm khắc hơn. Gần đây nhất, Nghị định 96/2014/NĐ-CP đã tiếp tục nâng mức xử phạt đối với hành vi niêm yết, báo giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ lên tối đa là 250 triệu đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức mức xử phạt tăng gấp đôi.
Đặc biệt, không thể phủ nhận việc lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cộng thêm tỷ giá được duy trì ổn định trong những năm qua đã góp phần đáng kể việc giảm thiểu tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Hiện việc báo giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ hay vàng hầu như đã không còn.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định: Bằng mọi biện pháp giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam với biến động không quá 2%/năm. Đây sẽ là một tín hiệu tốt trong việc nâng cao uy tín của đồng bản tệ, đẩy lùi dứt điểm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Jay Menon của Ngân hàng Phát triển châu Á thì Việt Nam thành công hơn so với hai nước Lào và Campuchia trong công tác giảm tình trạng đôla hóa. Việt Nam rõ ràng là đang đi đầu trong việc giảm tình trạng đôla hóa bằng những biện pháp cương quyết như tăng lượng dự trữ ngoại tệ của NHNN, giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng ngoại tệ tại các NHTM, chủ động tạo nên thế cân bằng trong lượng cung tiền giữa đồng nội tệ và ngoại tệ. Qua đó, tình trạng đôla hóa của nền kinh tế Việt Nam đang từng bước được đẩy lùi.
Mặc dù vậy theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến chống đôla hóa đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn và phải bền bỉ bởi không dễ gì thay đổi thói quen găm giữ ngoại tệ vốn đã ăn sâu trong tâm thức người dân trong một sớm một chiều. Chỉ cần kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, lạm phát bùng phát là tình trạng này rất dễ quay trở lại.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Quản lý ngoại hối và thị trường tiền tệ, NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết: Thời gian qua NHNN chi nhánh Hà Nội đã phối hợp với nhiều lực lượng chuyên ngành như công an, an ninh kinh tế kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh ngoại hối với nỗ lực đẩy lùi vấn nạn đôla hóa trên địa bàn TP. Hà Nội. |
Hoàng Phương