Kinh nghiệm một số nước về xử lý tài sản bảo đảm
Ảnh minh họa |
1. Anh
Luật Ngân hàng Anh (Banking Act 2009, s255.4.f. iv) cho phép một bên thực hiện quyền được quy định trong văn bản thỏa thuận về biện pháp bảo đảm mà đã thống nhất việc cần hoặc không cần tới phán quyết của tòa án. Như vậy, ngoài việc xử lý tài sản bảo đảm theo phán quyết của tòa án, các bên có thể được trao quyền tự xử lý tài sản bảo đảm mà không cần thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa.
2. Thái Lan
Thái Lan không có quy định đặc thù áp dụng cho xử lý tài sản đảm bảo trong lĩnh vực ngân hàng. Việc xử lý tài sản bảo đảm được áp dụng chung cho mọi chủ thể dân sự.
Trước đây, pháp luật Thái Lan yêu cầu việc xử lý tài sản bảo đảm phải thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/07/2016, sau khi Luật Biện pháp bảo đảm trong Kinh doanh (Business Collateral Act 2015) có hiệu lực thi hành, trong một số trường hợp quy định tại Luật thì chủ nợ có quyền tự xử lý tài sản bảo đảm. Một số điểm chính trong Luật mới Biện pháp bảo đảm trong Kinh doanh như sau:
- Tài sản bảo đảm bao gồm: dự án, khoản phải thu, bất động sản trực tiếp phục vụ phát triển dự án, sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, và các loại tài sản khác theo quy định tại văn bản cấp Bộ.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên vay vẫn có quyền sở hữu tài sản bảo đảm và khai thác tài sản trong suốt quá trình bảo đảm cho khoản vay. (Trước đây, pháp luật không cho phép bên vay được giữ quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm là động sản trong suốt thời gian vay).
- Trong trường hợp bên vay không trả được nợ, bên cho vay có thể nhận quyền sở hữu tài sản hoặc bán tài sản thông qua đấu giá công khai.
- Luật mới quy định về lựa chọn cơ chế thực thi ngoài tòa, trong đó bao gồm cả việc chỉ định một người giám thu trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản đồng kinh doanh hoặc một dự án.
Thông thường, việc ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm thông qua tòa án có thể kéo dài hơn 1 năm.
3. Ireland
Pháp luật Ireland (Thông tin từ bài viết Methods of Realisation and Enforcing Security in respect of Irish Real Estate Loans and Security của Arthur Cox) yêu cầu việc xử lý tài sản bảo đảm phải có quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, quy định này là không bắt buộc, các bên liên quan có thể thỏa thuận trước về phương pháp xử lý tài sản khác trong hợp đồng. Ví dụ, các bên có thể thỏa thuận về việc chỉ định người xử lý tài sản bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm là người xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp trong hợp đồng đã có các thỏa thuận này, việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ không cần có quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác mà được xử lý như nội dung thỏa thuận của các bên.
Bộ luật Tố tụng dân sự Ireland [District Court (Civil Procedure) Rules 2014] không có quy định về thủ tục đặc biệt/rút gọn áp dụng cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
4. Pakistan
Tại Pakistan, đối với các giao dịch dân sự thông thường, việc xử lý tài sản bảo đảm phải được giải quyết thông qua tòa án dân sự theo trình tự, thủ tục tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 1908 (Civil Procedure Code 1908).
Đối với các tổ chức tài chính, trong đó bao gồm ngân hàng thương mại, việc xử lý tài sản bảo đảm có thể thông qua tòa án đặc biệt với trình tự, thủ tục đặc biệt quy định tại Pháp lệnh về thu hồi nợ của tổ chức tài chính năm 2001 [Financial Institutions (Recovery of Finances) Ordinance, 2001]. Theo quy định đó, Tòa án trong các trường hợp này phải đưa ra quyết định trong vòng 90 ngày, tuy nhiên, trên thực tế có thể kéo dài từ 1-3 năm.
Theo quy định tại Điểm 15 Pháp lệnh trên, ngân hàng có thể bán tài sản bảo đảm trực tiếp mà không phải qua thủ tục tại tòa án, tuy nhiên, điểm này đã bị Tòa án Tối cao tuyên bố là trái với Hiến pháp.
5. Đài Loan
Văn bản quy định về trình tự, thủ tục TCTD định giá tài sản và xử lý các khoản nợ quá hạn của Đài Loan (Regulations Governing the Procedures for Banking Institutions to Evaluate Assets and Deal with Non-performing/Non-accrual Loans) không có quy định về việc TCTD được quyền tự xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định này, TCTD sẽ chủ động thực hiện việc xử lý nợ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Code of Civil Procedure 1930, Amended 2015). Như vậy, TCTD sẽ phải thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án để đòi nợ và việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.
Bộ luật Tố tụng dân sự Đài Loan không có quy định về thủ tục đặc biệt/rút gọn áp dụng cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
6. Pháp
Thứ nhất, không có bất kỳ một quy trình đặc biệt nào áp dụng đối với đối tượng là ngân hàng mà áp dụng theo các quy tắc chung tại Bộ Luật Dân sự và Luật Tố tụng dân sự thi hành án.
Thứ hai, thủ tục áp dụng đối với tài sản bảo đảm là động sản và bất động sản về cơ bản là giống nhau, nghĩa là cần có sự can thiệp của tòa án. Cụ thể là, đối với biện pháp cầm cố động sản, Điều 2346 Bộ Luật Dân sự: “Khi việc thanh toán khoản nợ có bảo đảm không được thực hiện, chủ nợ có quyền yêu cầu tư pháp[1] bán thanh lý tài sản bảo đảm”. Điều 2346 Bộ Luật Dân sự cũng cấm chủ nợ được bán tài sản theo cách thỏa thuận do lo sợ việc chủ nợ sẽ bán với giá thấp hơn giá trị thực của tài sản đó. Tuy nhiên, Điều 2348 Bộ Luật Dân sự cũng quy định: “Khi nghĩa vụ bảo đảm không được thực hiện, chủ nợ sẽ trở thành sở hữu của tài sản bảo đảm” với sự định giá tài sản bởi chuyên gia định giá tài sản do tòa chỉ định hoặc do các bên lựa chọn.
Đối với biện pháp cầm cố bất động sản hay thế chấp bất động sản, khi bên nợ không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, chủ nợ có quyền tịch biên tài sản là bất động sản để bán thanh lý sau đó được chia trên giá trị thanh lý của bất động sản. Để thực hiện quy trình này, chủ nợ gửi cho bên nợ yêu cầu thanh toán và đăng yêu cầu này trên Trung tâm thế chấp. Từ đó, bất động sản này sẽ bị đóng băng, bên nợ không thể cho thuê, bán và phải được bán tại Tòa. Tài sản sau khi bị tịch biên sẽ được bán thỏa thuận dưới sự cho phép của tòa án hoặc bán đấu giá tại Tòa./.
[1] Bằng cách triệu tập tòa án có thẩm quyền
Tài liệu tham khảo:
1. Banking Act 2009, s255.4.f. iv (England)
2. Business Collateral Act 2015 (Thailand)
3. Civil Procedure Code 1908 (Pakistan)
4. Civil Procedure Rules, 1998 (England)
5. Code of Civil Procedure 1930, Amended 2015 (Taiwan)
6. District Court (Civil Procedure) Rules 2014 (Ireland)
7. Financial Institutions (Recovery of Finances) Ordinance, 2001 (Pakistan)
8. Methods of Realisation and Enforcing Security in respect of Irish Real Estate Loans and Security (Arthur Cox)
9. Regulations Governing the Procedures for Banking Institutions to Evaluate Assets and Deal with Non-performing/Non-accrual Loans (Taiwan)
10. Code civil (France)
11. Code des procedures civiles d’execution (Luật Tố tụng dân sự thi hành ) (France)