Kinh tế Việt Nam chậm lại, triển vọng vẫn tích cực
Fitch nâng triển vọng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực | |
Triển vọng tăng trưởng và lạm phát 2019 |
Theo WB, kinh tế đối ngoại của Việt Nam rất vững vàng |
Bất định cao hơn, kinh tế chậm lại
Dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ và do sức cầu bên ngoài yếu đi và do chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt, triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, bản báo cáo này nhận định. Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 sẽ ở mức 6,6% và ở mức 6,5% cho các năm 2020-2021.
“Mức dự báo tăng trưởng GDP 6,6% trong năm nay của chúng tôi, dù có chững lại một chút nhưng vẫn là tốc độ rất tích cực, nhất là trong bối cảnh môi trường bên ngoài có nhiều bất định, tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là tăng trưởng thương mại toàn cầu dự báo sẽ suy giảm mạnh”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.
Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới mục tiêu đặt ra, với mức tăng 3,7% năm 2019 và 3,8% cho các năm 2020-2021. Bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm dần nhờ việc tiếp tục chính sách tài khóa thận trọng. Báo cáo “Điểm lại” nhấn mạnh đến những kết quả tốt mà ngành dịch vụ đạt được và đánh giá đây là những dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững.
Theo ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ngành chế tạo chế biến tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng dù có suy giảm nhẹ và ngành nông nghiệp cũng suy giảm do giá thực phẩm giảm, nhu cầu bên ngoài giảm và một phần liên quan đến dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ trên GDP đã giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018.
“Đây là mức giảm rất tốt, một phần do nhu cầu tiêu dùng trong nước thúc đẩy kết quả thu, một phần là nhờ kiềm chế chi, trong đó có chi đầu tư. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi đầu tư cũng cần tạo sự bền vững”, chuyên gia Sebastian Eckardt nhận định.
Báo cáo cũng dự báo sức cầu bên ngoài giảm mạnh, xuất khẩu bị ảnh hưởng, nên thặng dư tài khoản vãng lai so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm. Nhưng theo ông Sebastian Eckardt, mặc dù xuất khẩu có chậm lại một chút nhưng về cơ bản, kinh tế đối ngoại của Việt Nam rất vững vàng.
Bên cạnh đó, các yếu tố tích cực khác là tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục được tích lũy và dòng vốn FDI cam kết tiếp tục tăng. Các hiệp định mà Việt Nam tham gia như CPTPP vừa có hiệu lực, hay EVFTA, IPA mà Việt Nam vừa ký kết với EU cũng sẽ giúp làm tăng lòng tin của các NĐT nước ngoài, thúc đẩy các dòng vốn đầu tư chảy mạnh hơn vào Việt Nam. Những hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao này cũng kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng cải cách mới.
Đẩy nhanh cải cách cơ cấu, khơi dậy tiềm năng tăng trưởng
Khi công bố báo cáo, các chuyên gia WB cũng nhấn rất mạnh vào những yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xu hướng căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn khiến các rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh đó, dù kinh tế Việt Nam - kể cả tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng trong các lĩnh vực như xuất khẩu - vẫn tích cực nhưng cũng đang và có thể sẽ còn chịu những tác động nhất định.
Rủi ro bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những thách thức hay nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm sự chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách DNNN và khu vực ngân hàng hay lớn hơn là sự chậm lại của các cải cách cơ cấu…
Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị linh hoạt và sẵn sàng các điều chỉnh chính sách vĩ mô để hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong trường hợp rủi ro gia tăng. Đồng thời, cần đẩy nhanh các cải cách cơ cấu nhằm khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư trong ngắn hạn cũng như tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
“Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương”, ông Ousmane Dione khuyến nghị.
Đề cập cụ thể hơn, chuyên gia Sebastian Eckardt cho rằng, việc cải cách DNNN cần tập trung vào cổ phần hóa một cách thực chất và nâng cao khả năng quản trị DN. Đối với khu vực ngân hàng, cải cách cần tập trung vào đẩy nhanh xử lý nợ xấu và đảm bảo đủ gối đệm vốn để giảm thiểu rủi ro hệ thống và nâng cao hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. Công việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khung khổ pháp lý và đổi mới cung cách quản lý cũng cần tiếp tục là những ưu tiên để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, thương mại và giảm chi phí kinh doanh.
Liên quan đến các FTA mới, đặc biệt là EVFTA, ông Sebastian Eckardt cho rằng, có một số cam kết không dễ để thực hiện nên rất cần tập trung vào khâu thực thi cam kết và nâng cao chất lượng triển khai. Trong đó, cần rà soát lại cũng như xây dựng, ban hành các cơ chế, yêu cầu, tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… để sẵn sàng triển khai tốt ngay khi hiệp định có hiệu lực.