Kỳ vọng gì ở thị trường vốn Việt?
Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng | |
Kỳ vọng động lực mới | |
Kinh tế 2016: Kỳ vọng lớn nhưng điều hành phải khéo léo hơn | |
AEC – Những câu hỏi nóng cho 2016 | |
AEC mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư |
Tín dụng vẫn “đứng mũi chịu sào”
Thị trường tài chính có hai phân khúc là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ hiện nay được đánh giá khá phát triển ở Việt Nam, dòng vốn ngắn hạn tương đối lớn. Thị trường vốn ở Việt Nam cũng được ghi nhận có chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước.
Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam 2015 tương đối ổn định, được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước khác trong khu vực. Nhưng trên thực tế, cán cân vẫn có sự chênh lệch, cung vốn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn là từ hệ thống NH.
Hội nhập quốc tế là cầu nối mở ra cơ hội cho thị trường vốn Việt Nam đón nhận nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn |
Phải thừa nhận rằng, thị trường vốn hiện còn nhiều hạn chế. Các nguồn vốn dài hạn như trái phiếu Chính phủ, hay trái phiếu DN... còn èo uột. Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, thị trường vốn của Việt Nam không chỉ “nghèo” về sản phẩm, công cụ tài chính, mà quy mô của thị trường vốn còn rất khiêm tốn, chưa phát triển với nhu cầu tăng trưởng vốn của thị trường, nên việc cung ứng vốn dài hạn còn gặp nhiều khó khăn.
Chính bởi thế, áp lực tài trợ vốn cho nền kinh tế bị đẩy sang thị trường tiền tệ, tạo rủi ro lớn cho nền kinh tế. Nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của các NH có thể dễ dàng nhận ra, các NH cho vay rất nhiều nhưng chủ yếu dòng vốn vẫn là ngắn hạn; trung hạn lác đác, còn vốn dài hạn thì là “của hiếm”.
Thị trường tiền tệ của Việt Nam có sự phát triển tốt, cung cấp nguồn vốn cho cả nền kinh tế. Nhưng có rủi ro lớn bởi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ. Vốn ngắn hạn tương đối dồi dào, nhưng phát triển của đất nước thì vẫn bị rơi vào trường hợp lấy ngắn nuôi dài, rủi ro lớn cho thị trường tiền tệ.
Đáng lý ra, với cơ cấu tăng trưởng phụ thuộc lớn vào đầu tư, nền kinh tế Việt Nam phải có thị trường vốn phát triển rộng rãi. Việt Nam là thị trường đang phát triển, bước chân hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới, khả năng thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được mở rộng ra. Mà vốn dài hạn, chủ yếu đến từ những quỹ đầu tư, hãng bảo hiểm, tổ chức kinh tế…
Thị trường Việt Nam sân chơi của chúng ta còn quá giới hạn. Và tập trung để xây dựng thị trường vốn hiệu quả, chung quy lại, chỉ có ngành NH vẫn là nhân tố phải “đứng mũi chịu sào”.
Nâng tín nhiệm, tăng niềm tin
Năm 2015 chứng kiến nhiều đổi thay của nền kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2016, dòng vốn chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển khi Việt Nam gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều băn khoăn là, vậy năm 2016, sự chênh lệch về các kênh huy động thị trường vốn của Việt Nam có được kéo gần lại hay không?
Thị trường vốn Việt Nam hiện đang phát triển theo thông lệ quốc tế với đầy đủ cả ba loại hình: thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Nhắc tới vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một trong những điểm quan trọng để phát triển thị trường vốn là cần có giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Mà cái hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tiên, chính là phải có sản phẩm đa dạng.
“Đa dạng ở đây phải xuất phát từ ngay phía Chính phủ. Không những ở Trung ương, mà ngay chính quyền tại địa phương cũng có thể phát hành trái phiếu. Nếu trường hợp cần, Trung ương có thể bảo lãnh”, ông Hiếu chia sẻ.
Thêm nữa, thị trường Việt Nam phải đi tìm nguồn vốn dài hạn, bởi nhà đầu tư chỉ có thể đầu tư vào thị trường vốn nếu họ tin tưởng ở nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài, khi bỏ vốn, mua trái phiếu Chính phủ 10 - 20 năm, rồi mua trái phiếu DN 10 - 30 năm... Tất cả những điều này phải dựa trên sự tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam.
Hiện tại, có thể thấy rằng, sự tin tưởng ở các nhà đầu tư trong ngắn hạn vì thấy có sự ổn định nhất định. Nhưng dài hạn thì còn ngại ngùng. Vấn đề đặt ra là làm sao để tạo được uy tín trong thị trường vốn quốc gia cũng như uy tín của các tổ chức phát hành. Điểm tín nhiệm của Việt Nam cũng là vấn đề của thị trường vốn. Muốn thị trường vốn phát triển, thì Việt Nam cũng cần cân nhắc để nâng xếp hạng của mình ra khỏi nhóm không khuyến khích đầu tư.
Từ đó, các nhà đầu tư dài hạn nhìn vào điểm tín nhiệm quốc gia mới hy vọng có thể đầu tư lớn và lâu dài được. Điều này đòi hỏi tất cả những tổ chức phát hành từ Chính phủ cho tới chính quyền địa phương, NH, DN đều phải nâng xếp hạng tín nhiệm cho mình. Nâng tín nhiệm quốc gia để niềm tin của nhà đầu tư đi vào với nền kinh tế Việt Nam.
Khó khăn là thế, nhưng không phải không có triển vọng. Việc hội nhập quốc tế và sự năng động của Việt Nam nói chung cũng như thị trường tài chính Việt Nam nói riêng là tiền đề, cơ sở để các nhà đầu tư cũng “nhìn ngó” xem Việt Nam có bao nhiêu khả năng để rót vốn vào. Các nhà đầu tư nước ngoài không phải ai cũng đầu tư trực tiếp, phần nhiều nằm ở đầu tư gián tiếp.
Nên ngoài việc đa dạng hoá công cụ, nâng cao tín nhiệm của tổ chức phát hành thì hội nhập quốc tế là cầu nối mở ra cơ hội cho thị trường vốn Việt Nam đón nhận nguồn đầu tư trung và dài hạn. Có thu nhận được hay không phụ thuộc vào việc thị trường nước ta vận động ra sao để bắt kịp lại cơ hội này.