Kỳ vọng động lực mới
TS. Lưu Bích Hồ |
Xin chào ông! Những ngày đầu tiên của năm 2016 đã mang tới ông sự mong đợi nào?
Tôi kỳ vọng năm nay sẽ có động lực mới. Động lực mới sẽ thể hiện ở chủ trương chính sách mới, bộ máy, thể chế mới với những điều kiện thuận lợi nhất định cả ở trong nước và nước ngoài.
Tôi hy vọng sau Đại hội Đảng tới đây chúng ta cần nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, triển khai nhanh và tích cực hơn lộ trình tái cơ cấu, tập trung và đẩy mạnh hơn nữa đổi mới thể chế kinh tế đồng bộ với đổi mới thể chế hành chính và hệ thống chính trị, tạo dựng và hình thành đầy đủ các yếu tố kinh tế thị trường.
Tôi rất kỳ vọng rằng, Đại hội tới đây sẽ tạo ra một bộ máy mới mạnh hơn để giúp tăng hiệu năng, hiệu quả của nền kinh tế, giúp chúng ta đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2016 mà cả những năm tiếp theo.
Đồng thời, cần phải kiềm chế được nợ công không tăng lên nhanh quá, thông qua việc siết lại và hiệu quả hóa được đầu tư công, đồng thời giữ tăng bội chi ngân sách ở mức hợp lý trên cơ sở xây dựng kế hoạch sát với cân đối thu - chi ngân sách.
Các ngành dịch vụ, công nghiệp cần hướng mạnh vào tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trong hội nhập. Chuyển mạnh chất lượng thu hút FDI vào ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần tập trung hơn cho tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp, khuyến khích tích tụ được ruộng đất để tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, gắn thị trường, khoa học công nghệ, DN, người nông dân và các cơ quan quản lý để hình thành các chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng - tiêu thụ.
Điều này sẽ giúp hóa giải sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng trong hội nhập hiện nay.
Chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát |
Và năm 2015 để lại ấn tượng nào sâu đậm nhất trong ông?
2015 là một năm cơ bản thành công và ấn tượng đậm nhất là lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, mà tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn mức mục tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định.
Lạm phát thấp cũng tạo thuận lợi hơn cho người dân. Giữa lúc thu nhập không tăng lên được nhiều, mà giá cả thấp đi thì mọi người sẽ chi tiêu được tốt hơn. Hơn nữa, dù sức mua, tổng cầu hay chỉ số PMI, chỉ số niềm tin người tiêu dùng… đang trong xu hướng đi lên và đây là những tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi khó khăn, giá hàng hóa thế giới giảm, tỷ giá biến động và rất nhiều nước trong khu vực gặp khó khăn lớn trong xuất khẩu thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kế hoạch, tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Một điểm sáng nữa là tín dụng năm 2015 tăng trưởng tốt hơn so với 2014. Điều này cho thấy thay vì chỉ chạy vòng vo trong hệ thống NH như vào kênh trái phiếu Chính phủ như trước đây thì vốn đã ra được thị trường. Chính sách tiền tệ cũng đã góp phần quan trọng trong giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh được cung tín dụng, giữ được lãi suất, tỷ giá ở mức hợp lý và linh hoạt.
Đặc biệt về lãi suất – dù có thể vẫn chưa phải ở mức như nhiều người mong muốn – nhưng việc giảm mạnh và duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện nay là rất tích cực. Công tác TCC hệ thống các TCTD cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhất trong 3 trọng tâm TCC hiện nay.
Năm vừa qua cũng đánh dấu năm hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Với Hiệp định chất lượng cao TPP và hàng loạt các FTA khác, Việt Nam được ghi nhận là nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trong năm 2015.
Điều này cũng hàm nghĩa, chúng ta đang đi đầu trong việc tháo cởi những rào cản của hội nhập bởi muốn hội nhập và thực hiện theo các cam kết hội nhập thì buộc chúng ta phải tháo cởi, phải cải cách. Chúng ta ghi nhận đã có sự đẩy mạnh trong cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ và dần hiện đại, đặc biệt là một loạt luật và văn bản pháp quy đã ban hành và có hiệu lực trong khi các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được thúc đẩy.
Cùng với tiến trình hội nhập và nền kinh tế ổn định, luồng vốn FDI cam kết và giải ngân vào Việt Nam cũng tiếp tục gia tăng. Thu hút FDI đạt được mức cao mới về lượng vốn giải ngân trong năm qua khi khoảng 14 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2014. Số vốn cam kết cũng được dự báo sẽ cao hơn con số 21,9 tỷ USD của năm 2014.
Vậy nền kinh tế còn điều gì lấn cấn không, thưa ông?
Điều khúc mắc nhất của nền kinh tế và năm 2015 chưa được giải quyết, năm nay phải giải quyết: Đó là khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống, từ chính sách đến hành động.
Bên lề một cuộc hội thảo về chủ đề tái cơ cấu, hồi cuối năm, bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nói với mấy vị chuyên gia và lãnh đạo cấp bộ rằng “các ông nói nhiều rồi, nói đúng rồi nhưng các ông hãy làm đi”.
Để làm được, hành động được, thì phụ thuộc ở thể chế và bộ máy. Bộ máy và con người trong bộ máy của chúng ta đang chuyển động quá chậm so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tế. Điều này dẫn đến việc chậm hoặc không thực hiện được các chủ trương, chính sách ban hành.
Nguyên nhân chính của những hạn chế này theo tôi là vì chúng ta vẫn đang trong quá trình phải gỡ rối, gỡ những gì đã đè nặng lên nền kinh tế này trong bao nhiêu năm qua và buộc chúng ta phải gỡ dần mà chưa thể hoàn toàn yên tâm để xoay chuyển sang một hướng mới được. Bên cạnh đó là quan điểm, nhận thức, tư duy và gắn liền với đó là tổ chức thực hiện chưa tốt. Đặc biệt là bộ máy của chúng ta còn bị ràng buộc bởi lề lối, cung cách làm cũ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!