Lạm phát và bài toán phối hợp chính sách
Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ | |
Lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát | |
NHNN kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô |
Áp lực dồn dập
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tiếp nối đà tăng từ đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy CPI 5 tháng đầu năm so với tháng 12 năm trước đã tăng 1,88%.
Còn nhớ thời điểm tháng 3, khi CPI bứt phá sau một thời gian dài khá trầm lắng, phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy trong rổ hàng hoá tính CPI, ngoài giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng thì 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên tới tháng 5 năm nay, 11 nhóm hàng đã đồng loạt tăng giá so với tháng trước. Đây cũng là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong vòng 3 năm trở lại đây.
Lạm phát ngày càng khó đoán định gây áp lực lên điều hành vĩ mô |
Cũng bởi sự tăng giá dồn dập này mà CPI tháng 5 được ghi nhận là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể trong giai đoạn từ năm 2012-2015, CPI tháng 5 chỉ tăng nhẹ trong khoảng 0,16-0,2% so với tháng trước, cá biệt tháng 5/2013, CPI đã giảm 0,06%. Như vậy, theo dõi số liệu CPI qua 5 năm có thể thấy một số điểm đáng chú ý là tốc độ tăng chậm lại qua mấy năm liền, nhưng tới nay đã cao lên; đồng thời CPI sau 5 tháng đầu năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước.
CPI bật tăng nhưng áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng tới vẫn chưa hết. Theo đó, năm 2016 xuất hiện các yếu tố chi phí đẩy lạm phát tăng lên là giá dầu thế giới đã về tới đáy và đang có chiều hướng tăng; tăng giá dịch vụ y tế lần 2 dự kiến diễn ra vào tháng 7, sau đợt tăng giá vào tháng 3 vừa qua; tăng học phí vào năm học mới 2016 - 2017 có “điểm rơi” vào tháng 9, sẽ làm tăng CPI vào cuối năm nay; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cũng có thể làm cho giá nông sản tăng lên…
Đây sẽ là áp lực rất lớn cho công tác kiểm soát lạm phát. Tổng cục Thống kê trong cuộc họp báo hồi quý I cũng đã nhận định lạm phát năm nay sẽ ở mức cao, thậm chí có thể vượt qua ngưỡng mục tiêu 5% đã đề ra. Nay trước những diễn biến thực tế, nguy cơ đó lại càng lớn hơn.
Chính sách tài khoá phải cùng đỡ
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tính chung cả 5 tháng, có thể thấy tốc độ tăng CPI bình quân là ổn định. Nếu duy trì ở tốc độ này thì CPI cả năm sẽ tăng hơn 4,57% và vẫn trong mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên trước các áp lực dồn dập lên mặt bằng giá cả, nếu CPI vẫn giữ đà tăng như tháng 5 thì lại là vấn đề.
“Khi đó chúng ta buộc phải kiềm chế nó lại, và để kiềm chế thì chỉ có giảm cung tiền, thắt chặt tiền tệ. Điều này gây áp lực ngược trở lại thị trường vốn”, ông Kiên phân tích.
Cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% là có thể đạt được, song TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá trong tình hình mặt bằng giá cả chuyển biến ngày càng nhanh như hiện nay, việc đạt mục tiêu này sẽ càng khó khăn hơn. Chính vì vậy áp lực với điều hành chính sách vĩ mô là không hề đơn giản.
Trước bối cảnh đó, sức ép lại đang tiếp tục dồn lên ngành NH. TS. Võ Trí Thành cho biết, sức ép đó thể hiện trước hết với chính sách tiền tệ là làm sao cân đối được 2 mục tiêu vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời vừa hỗ trợ cho sản xuất, đảm bảo tăng trưởng. Cùng với đó là các mục tiêu khác không kém phần quan trọng như bình ổn được tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, phối hợp với chính sách tài khóa để phát hành trái phiếu Chính phủ…
Tuy nhiên ông Thành lưu ý, nếu chỉ lo đối phó với áp lực trước mắt thì chưa đủ. “Phải nhớ mục tiêu trung hạn mà Việt Nam đặt ra là tăng trưởng 6,5-7%, trong khi lạm phát vẫn giữ dưới 5%. Từ đó cân đối giữa mục tiêu năm nay và các năm tiếp theo”.
Như vậy, để cân bằng giữa ngắn hạn và trung hạn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô mà vẫn giữ được lạm phát thấp trong bối cảnh biến động bất định của kinh tế thế giới; điều kiện ngân sách hết sức khó khăn; bản thân hệ thống NH cũng đang trong quá trình lành mạnh hoá, đáp ứng những thông lệ tiêu chuẩn tốt… thì đó là thách thức với NHNN.
Tuy nhiên, ông Thành cũng bổ sung, ngay cả khi điều hành của NHNN đã rất linh hoạt, thì việc giải bài toán cân bằng giữa 2 vế ổn định và phát triển, ngắn hạn và trung hạn, cũng là gánh nặng rất lớn, và chỉ mình NHNN sẽ khó gánh vác được.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng khuyến cáo, trước thế khó của công tác điều hành vĩ mô đa mục tiêu, chính sách tài khoá phải đỡ cho chính sách tiền tệ hơn nữa. Ông Kiên hiến kế, chẳng hạn các DN đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT, BT phải phát hành trái phiếu công trình, hàng năm huy động vốn và ít nhất phải trả cao hơn hoặc tương đương lãi suất huy động của NH.
“Nếu chính sách tài khoá không đỡ để phát triển thị trường giấy tờ có giá đi kèm theo thì tiền sẽ luẩn quẩn trong dân, quay trở về bất động sản, vàng, USD… Vì người dân có tiền trong túi kiểu gì cũng phải tìm nơi trú ẩn an toàn. Như vậy chính sách tiền tệ sẽ càng khó hơn”, ông Kiên nhấn mạnh.