Làng nghề hướng tới phục vụ du lịch
Phát triển làng nghề gốm song hành với du lịch | |
Làng nghề Hà Nội có cơ hội phát triển |
Hà Nội có tới 1.350 làng có nghề, trong đó có gần 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ. Những năm gần đây, thành phố đã đầu tư phát triển nhiều làng nghề gắn với du lịch. Có thể kể đến như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ, mây tre đan Phú Vinh… Và những nơi này đã hấp dẫn lượng lớn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sản phẩm thủ công độc đáo.
Làng nghề truyền thống thu hút nhiều du khách nước ngoài |
Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn phát triển mạnh và xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia thì hầu hết các làng nghề lại bỏ qua nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch tại chỗ. Chính vì vậy chưa khai thác hết những tiềm năng vốn có của làng nghề.
Ước tính 9 tháng năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 19,7 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt trên 4,3 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt trên 15,4 triệu lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói đây là lượng khách hàng rất lớn đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Nhưng trên thực tế, ở các điểm du lịch bán hàng lưu niệm tại Hà Nội lại chủ yếu là các sản phẩm của nước ngoài, đa phần có xuất xứ Trung Quốc. Còn các sản phẩm của Việt Nam thì rất ít và mẫu mã, chất lượng còn thua kém nhiều các sản phẩm của nước ngoài. Việc các làng nghề truyền thống bỏ qua một thị trường rộng lớn ngay trên sân nhà là sự lãng phí và mất đi cơ hội quảng bá các sản phẩm đặc trưng truyền thống của Thủ đô.
Mặt khác, các làng nghề cũng chưa thực sự chú trọng đầu tư để làm ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, các làng nghề Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines… Nguyên nhân chính là mẫu mã sản phẩm của các làng nghề chậm đổi mới, thiết kế đơn điệu. Nhiều làng nghề chủ yếu sao chép các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc làm theo mẫu do khách hàng đặt, không có mẫu của riêng mình, thiếu những sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các làng nghề, nhất là đầu tư, hỗ trợ nhiều làng nghề sản xuất phục vụ xuất khẩu và phục vụ du lịch. Trong đó có đầu tư về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực có tay nghề cao giúp các làng nghề phát huy được thế mạnh. Đồng thời, thành phố cũng có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch. Trong số này, có 2 cơ sở tiên phong là làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc đầu tư cho nhiều làng nghề đổi mới theo xu thế thị trường thì thành phố còn tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, các cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Mới đây, Sở đã tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh khen thưởng các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018", nhằm khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm. Từ cuộc thi sẽ tìm ra nhiều sản phẩm truyền thống có mẫu mã phong phú phù hợp với thị trường để trưng bày và phục vụ khách du lịch.
Dự kiến, trong tháng 10/2018, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 (Hanoi Gift Show 2018). Đây là sự kiện lớn, thường niên của Hà Nội nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội và cả nước gặp gỡ, giao dịch, kết nối kinh doanh với các nhà nhập khẩu nước ngoài, khách thương mại trong nước, hướng đến phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô.