Phát triển làng nghề gốm song hành với du lịch
Hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành, địa phương của thành phố, các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế… và nghệ nhân làng nghề Thanh Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Phước Tích, Lư Cấm, Bầu Trúc, MNông, Vĩnh Long tham dự.
Hai nữ nghệ nhân MNông, Đăk Lăk tạo hình sản phẩm tại triển lãm |
Tại đây, đại diện các làng nghề và các nghệ sĩ đã cùng nêu lên các khó khăn trong nỗ lực tồn tại của các làng nghề gốm truyền thống trong bối cảnh du lịch phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi hiện nay. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công viên Gốm và ông Nguyễn Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà thì chính tình yêu nghề, trân trọng với nghề và chịu khó học hỏi, sáng tạo, xây dựng những dự án, sản phẩm đậm chất nhân văn, mang tính cộng đồng cao, đã tạo được sự đồng thuận ở chính quyền, các ngành, các cấp và các nghệ nhân làng nghề.
Để bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề gắn với phát triển du lịch cần nhiều yếu tố, trong đó, cơ chế chính sách và vai trò của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng. Các làng nghề cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tham mưu với chính quyền địa phương để có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ cả trong bảo tồn, sản xuất, phát triển.
Hàng ngàn sản phẩm thể hiện sự đa dạng của chất liệu đất nung và sành, cùng cách tạo hình đặc trưng của mỗi vùng miền được trưng bày đã trở thành một trải nghiệm thú vị đối với bao du khách qua đây. Nhiều, rất nhiều người đã phải dừng lại trong thời gian dài để thưởng thức các vũ điệu gốm trên những bình, hũ, lồng đèn, phụ kiện, trang sức gốm…
Này là không gian trưng bày gốm Phù Lãng với những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm… cùng hình thức đắp nổi, màu men tự nhiên, dáng gốm mộc mạc, thô ráp nhưng khỏe khoắn, đậm nét điêu khắc tạo hình. Kia là gốm cổ sành làm từ đất sét xanh của làng gốm Hương Canh.
Vẫn là những sản phẩm gốm mộc mạc, giản dị nhưng gốm Hương Canh chan chứa vẻ đẹp của hồn quê và tâm huyết của nghệ nhân làng gốm. Bên cạnh là gốm Phước Tích dẫu đã ra đời từ 500 năm trước, rồi mới hồi sinh từ hơn 20 năm nhưng nay đã bắt đầu thu hút khách. Còn đây là gốm Lư Cấm với sự khác biệt độc đáo ngay cả với chiếc lò đất nung. Đó là sau khi hoàn tất các khâu cơ bản, người thợ sẽ phết lên chiếc lò một lớp đất sét đậm đặc để khi nung, lò có màu đỏ rực.
Kia là gốm Bàu Trúc - gốm Chăm Ninh Thuận mà 4 đến 5 nghệ nhân đang chế tác tại chỗ. Khác với cách làm gốm ở Hội An, thợ gốm Bàu Trúc không dùng bàn xoay mà tự mình đi quanh sản phẩm cùng với một số vật dụng làm bóng để hoàn chỉnh sản phẩm một cách thú vị. Làng gốm MNông cũng không dùng bàn xoay để tạo hình. Tất cả đều nhào nặn bằng tay. Để đất sét nhão mịn, nghệ nhân còn dùng chày cối để giã nhuyễn.
Hai nữ nghệ nhân cao niên: HPhiêt Uông (77 tuổi), HLưm Uông (67 tuổi) đã cho ra đời các sản phẩm gốm nâu đen tuyệt kỹ. Làng gốm Vĩnh Long vẫn thường được gọi là Vương quốc đỏ từ dòng sông Cổ Chiên lịch sử cũng góp mặt lần này ở phố Hội sông Hoài với các sản phẩm dung dị nhưng cũng đậm chất hiện đại. Và dĩ nhiên là sự có mặt của đơn vị chủ nhà - làng gốm Thanh Hà. Làng nghề có từ thế kỷ 17, đến nay vẫn chế tác thủ công với đất sét không pha trộn men hay bất cứ hóa chất nào, tạo nên các sản phẩm truyền thống hút khách.
Người có sáng kiến tổ chức cuộc hội tụ các làng gốm cổ truyền là kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công ty NhaViêtNet.com, chủ nhân của Công viên gốm Thanh Hà. Là một người tâm huyết với làng gốm, anh tâm sự: “Giữ lửa và phát triển một làng gốm là việc đòi hỏi tâm sức của nhiều thế hệ. Đó không chỉ đơn giản là chuyện làm ra cái lu, cái bình vôi; cũng không chỉ là chuyện thức khuya dậy sớm, chuyện mưu sinh mà còn ẩn chứa cả tình yêu dành cho làng quê, cho đất, nước. Và mỗi mạch ngầm văn hóa của làng nghề đều có câu chuyện riêng của mình”.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An thì khẳng định: “Việc tổ chức Festival gốm này là rất đáng hoan nghênh. Đây chính là cơ hội quý báu để các làng nghề gốm giao lưu, học hỏi lẫn nhau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng nghề cũng như quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến bạn bè, du khách gần xa trong thời gian tới”.