Vốn ưu đãi xóa nghèo
Vay vốn trồng cây “4 m”
Cái nắng gắt những ngày đầu năm khi đặt chân đến mảnh đất Tây Ninh khiến chúng tôi có phần khá bất ngờ, bởi nền nhiệt độ cao như vậy nếu ở ngoài Bắc chỉ có thể xảy ra vào chính hạ. Nhưng có cảm nhận, thời tiết cũng không làm giảm nhiệt huyết của những người làm công tác chính sách an sinh xã hội là cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Tây Ninh cùng với Trung tâm tin tức VTV24 chuẩn bị cho buổi ghi hình chương trình “Cặp lá yêu thương” để kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, những “lá lành” quan tâm tới những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn “lá chưa lành” của tỉnh nhà.
Cán bộ Hội đoàn thể và NHCSXH thăm gia đình ông Lại Văn Thủy, ở ấp 4, xã Suối Ngô |
Và qua chương trình thiện nguyện này, đã có gần 100 chiếc “lá chưa lành” được nhận những khoản hỗ trợ hàng tháng tiếp sức cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường.
Sự kiện trên thật ý nghĩa và tiếp thêm nỗ lực cho các cán bộ NHCSXH bởi mỗi đồng vốn của họ giải ngân đến các hộ vay cũng chỉ với mong muốn giúp thêm những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn bớt khổ, có cuộc sống ấm no.
Một thông tin rất vui là đến nay, theo ông Trương Hồng Đức – Giám đốc NHCSXH Tây Ninh, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 4.021 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho 2.389 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm; giúp 2.014 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng 27.046 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn... Chỉ tính riêng trong năm vừa qua đã có 28.371 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH.
“Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Đức chia sẻ.
Những con số ấn tượng trên đã thôi thúc chúng tôi quyết tìm hiểu thêm những câu chuyện vay vốn xóa nghèo ở khắp vùng nông thôn của tỉnh Tây Ninh. Mặc dù đang khá bận tham gia sự kiện chính trị ngày hội giao lưu giữa bộ đội biên phòng huyện Tân Châu và nước bạn Campuchia nhưng bà Nguyễn Thị Thành – Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tân Châu vẫn dành thời gian chia sẻ về công tác cho vay ưu đãi tại huyện vùng biên.
Theo bà Thành, với đường biên giới dài 47,5 km, đời sống bà con vẫn còn khó khăn nên kênh tín dụng ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai giảm nghèo tại địa phương, hỗ trợ cho việc phát triển các cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện.
“Bà con nông dân chủ yếu chăn nuôi bò, heo còn trồng trọt thì chú trọng tới “4 m”, tức là mì, mía, mủ (cao su), mãng cầu và xem như những cây trồng có thế mạnh của địa phương. Sản phẩm từ “4 m” không chỉ bán trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu các anh ạ” - bà Thành dí dỏm.
Cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Tiết mang lại thu nhập ổn định |
Tập trung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn
Vị nữ Phó Chủ tịch huyện Tân Châu cho biết, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, toàn huyện còn 718 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,14%, giảm 1,38% so với cùng kỳ, nhưng chúng tôi chưa hài lòng và muốn tỷ lệ này tiếp tục giảm cùng với nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, vùng biên. Trong hành trình đó, tín dụng của NHCSXH vẫn sẽ là một kênh quan trọng.
Tiếp lời, Phó Chủ tịch huyện, ông Trương Hoàng Sơn – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Tân Châu bổ sung, toàn huyện có 283 tổ TK&VV với số dư nợ cho vay 266,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ủy thác qua Hội Nông dân là lớn nhất, chiếm gần 44% so với tổng dư nợ.
NHCSXH luôn bám sát các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện để tích cực huy động vốn đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bên cạnh đó là tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, đáp ứng nhu cầu và điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân.
Đơn cử như xã Suối Ngô, huyện Tân Châu có 3.200 hộ thì nay còn khoảng trên 100 hộ nghèo. Thành quả này là nhờ sự nỗ lực của người dân và tiếp sức từ đồng vốn NHCSXH với khoảng hơn 36 tỷ đồng dư nợ trên toàn xã.
Chị Lâm Thị Thủy, tổ 2, ấp 1, xã Suối Ngô từng vay NHCSXH nhiều lần để sản xuất chăn nuôi thoát nghèo. Mới đây nhất, đầu năm 2015, gia đình chị Thủy được vay 50 triệu đồng của NHCSXH theo chương trình hộ mới thoát nghèo để mua 1 con bò sinh sản và mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm vừa rồi gia đình bán 2 con bê thu được 26 triệu đồng để sửa nhà. Nay còn 2 bò con, trong khi bò mẹ lại sắp sinh thêm lứa nữa tiếp thêm hy vọng cho gia đình chị Thủy thoát nghèo được bền vững.
Cũng từ đồng vốn cho vay hộ nghèo, với 30 triệu đồng vay của NHCSXH, hộ ông Lại Văn Thủy, ở ấp 4 lại tận dụng mảnh đất mặt đường liên xã để mở quán cơm, hủ tiếu giúp 2 vợ chồng có thu nhập hàng ngày. Hiện nay, quán của vợ chồng ông Thủy khá đông khách, trừ các chi phí lãi khoảng 4 triệu đồng/tháng. “Gia đình đang muốn vay thêm vốn của NHCSX để mở rộng kinh doanh” – ông Thủy tâm sự.
Không chỉ nguồn vốn cho vay hộ nghèo hiệu quả mà chương trình tín dụng cho vay thương nhân miền núi cũng tiếp thêm sức mạnh cho nhiều hộ gia đình. Trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiết, ấp 4, xã Suối Ngô từng “làm quen” với NHCSXH qua khoản vay 30 triệu đồng từ năm 2010.
“Ngày trước tôi từng làm nghề cơ khí nên có thêm đồng vốn ưu đãi để mở mang kinh doanh đúng sở trường của mình”, ông Tiết nói như biết ơn. Đến nay cửa hàng mua bán phụ tùng cũ, mới kiêm sửa chữa máy móc thiết bị nông nghiệp ngày càng mở rộng và đồng vốn ưu đãi của NHCSXH luôn đồng hành cùng gia đình ông Tiết với khoản vay 50 triệu đồng từ năm 2016. Với cửa hàng kinh doanh sửa chữa máy móc nông nghiệp này, trừ các chi phí thì mỗi năm thu nhập của gia đình ông Tiết được trên 100 triệu đồng.
“Nói về hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi thì còn rất nhiều hộ gia đình và hàng trăm mô hình sản xuất các anh ạ”, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Tân Châu - ông Trương Hoàng Sơn vừa nói vừa chỉ tay về phía cánh rừng cao su và tâm sự: “Nhiều người nói vui cả cánh rừng cao su này là của ông Sơn vì đa số các hộ trồng cao su đều vay vốn NHCSXH” để thấy sự hiệu quả của đồng vốn NHCSXH, sự tin yêu của người dân với tín dụng chính sách. Tuy vậy, chúng tôi chưa thỏa mãn và sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương thực hiện nhiều giải pháp để hộ nghèo giảm hơn nữa, đó mới là mục tiêu mà mỗi cán bộ ngân hàng làm tín dụng ưu đãi đang hướng tới.