Mang dịch vụ ngân hàng đến xứ núi Đông Giang
Thời gian gần đây, khách hàng của Agribank chi nhánh huyện Đông Giang đã thuận tiện hơn trong việc giao dịch, sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Bởi chi nhánh đã triển khai giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Từ khi áp dụng mô hình này, nhiều người dân các xã phía Đông huyện miền núi Đông Giang đã giảm được công sức tiền của, thời gian đi lại.
Khách hàng chờ đến lượt giao dịch tại điểm giao dịch lưu động xã Ba, huyện Đông Giang |
Chị Hồ Thị Thu Hiền, Tổ trưởng Tổ vay vốn xã Tư, huyện Đông Giang chia sẻ, Tổ vay vốn có 12 khách hàng, với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng. Các hộ dân trong tổ đa số là đồng bào dân tộc Cơ Tu, điều kiện đi lại khó khăn, lại ở địa bàn vùng núi cao, hiểm trở. Việc vay thông qua Tổ và giao dịch định kỳ tại điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô đã tạo thuận lợi rất nhiều cho bà con nhận vốn vay, trả lãi vay, trả gốc, thực hiện các dịch vụ mở thẻ ATM, chuyển tiền…
Theo chị Hiền, xe giao dịch lưu động giao dịch theo phiên định kỳ nên hết sức thuận lợi cho Tổ trưởng. Trước đây, Tổ trưởng phải mang lãi thu từ khách hàng về đến trụ sở ngân hàng tại trung tâm huyện, cách xã 40-50km, di chuyển trên đường rủi ro, mất thời gian. Bây giờ có trạm giao dịch lưu động, cứ đến hẹn lại lên, mang tiền lãi thu được ra nộp vừa nhanh chóng, vừa không mất thời gian đi lại nhiều, lại đảm bảo an toàn.
Còn chị Trần Thị Thu Hà, xã Ba (huyện Đông Giang) cũng chia sẻ, trước đây nhiều hộ dân tại địa phương sở hữu hàng chục hecta đất trồng rừng thương mại nhưng chưa thể tận dụng hết để trồng keo lá tràm vì thiếu vốn, nhưng do điều kiện đi lại xa xôi, người dân cũng không mặn mà với chuyện vay vốn. Nhưng từ ngày triển khai mô hình giao dịch lưu động tại xã, nhiều hộ dân địa phương đã đăng ký và làm thủ tục vay vốn để phục vụ sản xuất và kinh doanh.
Chị Hiền cho biết, hiện Tổ của chị đã có khoảng 60 hồ sơ vay vốn. Đây là sự chuyển biến đáng mừng. Bởi khi người dân có vốn sẽ mạnh dạn làm ăn, phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Đông Giang, các địa bàn của huyện miền núi này đều trắc trở giao thông, đi lại khó khăn. Trong khi đó, nếu thành lập một phòng giao dịch tại cơ sở là rất tốn kém lại cần nhiều nhân lực. Sự ra đời của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng thay thế phòng giao dịch rất cần thiết, không chỉ để duy trì tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn, mà còn đáp ứng nhu cầu vay vốn và sử dụng các loại hình dịch vụ của người dân miền núi.
Ông Nguyên khẳng định, Agribank Đồng Giang đã thực hiện giao dịch lưu động bằng ô tô ở xã Ba, xã Tư và tới đây triển khai tại các xã lân cận như Jơ Ngây, Sông Kon… với tần suất 1-2 lần/tuần tại mỗi xã, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách nhanh nhất khi có nhu cầu. Qua đó, Agribank Đông Giang kỳ vọng người dân tới đây sẽ thay đổi tư duy tiếp cận và giao dịch với ngân hàng để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam Nguyễn Văn Diện cho rằng, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ đem đến nhiều tiện lợi cho người dân. Qua đó, giúp người dân tiếp cận được vốn dễ dàng hơn, góp phần giảm thiểu nạn tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng.