Mở đường cho năng suất lao động dịch chuyển nhanh
Tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi | |
Tiền lương và bài toán năng suất lao động | |
Nghị quyết 19 mới: Đích đến là cải thiện năng suất lao động và mức sống |
Trong năm vừa qua, từ góc nhìn tổng thể năng suất lao động (NSLĐ) chung của nền kinh tế tăng rất chậm, nhưng nếu nhìn từ một số ngành thì xu hướng dịch chuyển lại rất nhanh và tích cực. Các chuyên gia lưu ý, dường như các ngành có sự tham gia mạnh của khu vực FDI thì NSLĐ tăng lên rất nhanh chóng, trong khi các ngành mà DN Việt Nam giữ vai trò chủ đạo thì sự dịch chuyển vẫn rất ì ạch.
NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tuy có cải thiện nhưng vẫn rất thấp so với nhiều nước |
Năng suất tăng nhanh nhờ FDI
Dưới góc nhìn của GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho tới nay nguồn nhân lực vẫn là một trong các lợi thế để Việt Nam hấp dẫn NĐT nước ngoài, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng nguồn nhân lực chưa cao đang là điểm yếu của môi trường đầu tư.
Dẫn ví dụ từ trường hợp của Samsung, ông Mại cho biết, đối với lao động phổ thông, Tổng giám đốc Samsung Bắc Ninh nói với ông rằng, chỉ sau một vài năm người Việt Nam đạt được 80% NSLĐ của người Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Samsung đã thành lập trung tâm công nghệ cao ở Hà Nội, trong đó có hơn 1.600 kỹ sư phần mềm là người Việt Nam.
"Tôi hỏi họ rằng một kỹ sư bình thường trong bao lâu có thể đạt được như người Hàn Quốc, họ trả lời là 1,5 - 2 năm", ông Mại kể. Người quản lý các nhà máy Samsung tại Việt Nam cũng chủ yếu là người Việt Nam, từ đốc công đến các bộ phận khác như marketing, nhân sự…
“Điều đó lý giải phần nào cho câu hỏi vì sao Samsung lại đầu tư nhiều vào Việt Nam. Bởi vì năng suất người Việt bằng 80% người Hàn Quốc, nhưng tiền lương lại chỉ bằng 30% thôi”, GS. Nguyễn Mại kết luận.
Đây không chỉ là đánh giá của riêng Samsung. Người đứng đầu Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài kể lại, khi ông vào TP. Hồ Chí Minh dự tổng kết 15 năm của Intel Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn này đánh giá rất cao lao động Việt Nam. Đây cũng là yếu tố đã giữ chân NĐT Hoa Kỳ này ở lại Việt Nam, thậm chí còn mở rộng sản xuất, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển để tận dụng chất xám của lao động Việt.
Sự tăng trưởng không đồng nhất giữa các ngành sản xuất cho thấy, tốc độ dịch chuyển NSLĐ của Việt Nam là không đồng nhất giữa các ngành. TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright dẫn chứng, trong năm qua ngành công nghiệp chế biến chế tạo, động cơ chủ lực của tăng trưởng đã tăng tới 14,4%, cao nhất trong 7 năm gần đây. Tuy nhiên trong 18 nhóm ngành chỉ có duy nhất 2 nhóm tăng trưởng trên mức bình quân, đó là sản xuất điện thoại, điện tử (với nhân tố chủ lực là Samsung) và sản xuất thép (chủ lực là Formosa).
Làm gì để khai thác tiềm năng?
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam năm nay chỉ ở mức vừa phải là 5,7%, có nhích lên so với năm 2015-2016. Nhưng ông Thành lưu ý, xét tổng thể tốc độ tăng NSLĐ của cả nền kinh tế là thấp, lý do là 45% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 14% GDP, vì vậy đã kéo năng suất của cả nền kinh tế đi xuống. Lĩnh vực thứ 2 có tăng trưởng năng suất cực thấp là dịch vụ, như bán lẻ với các cửa hàng nhỏ, mô hình bán lẻ truyền thống có năng suất rất thấp hiện vẫn chiếm số đông. “Còn đi sâu vào các lĩnh vực, không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất. Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào”, ông Thành lưu ý.
Với các đánh giá về NSLĐ như vậy, có thể thấy tiềm năng tăng trưởng năng suất của Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận vào thực tế là tốc độ tăng NSLĐ chung còn rất chậm chạp. Tổng cục Thống kê đánh giá, tăng trưởng công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng DN, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN, nhưng mức NSLĐ vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines, thậm chí chỉ bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra xu hướng tự động hoá trong sản xuất, vì vậy nguy cơ tụt hậu với các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam là rất lớn. Nếu không cố gắng thì không bao giờ chúng ta đuổi kịp các nước phát triển. Đây là thách thức lớn với Việt Nam”, ông Lâm cảnh báo.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị thời gian tới cần có các chính sách đồng bộ để tái phân bổ nguồn lực, chuyển dịch lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp và kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình sang các khu vực có năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, tiến hành công nghiệp hóa theo chiều sâu và theo diện rộng để tạo việc làm năng suất cao. Ngoài ra trong thu hút FDI, cần chọn lọc các dự án tạo NSLĐ cao, có tính lan tỏa đến nền kinh tế, tăng cường liên kết DN trong nước với DN FDI để nâng cao năng suất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.