Năm 2017: Cao trào cạnh tranh bán lẻ
Bán lẻ trực tuyến “lên ngôi” | |
Cạnh tranh mới về mạng lưới và kênh phân phối |
Bộ Công Thương dự báo, trong vòng ba năm tới đây sẽ có thêm khoảng 300 siêu thị mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Và đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm và hơn 1.500 cửa hàng tiện lợi… Điều này đưa thị trường bán lẻ gia tăng cạnh tranh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Trong đó, thị phần của những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng, sản phẩm nhập khẩu ngày càng nhiều. Chính vì vậy, DN bán lẻ trong nước đang mở rộng nhanh chóng mạng lưới, để tạo dấu ấn, tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường tạo nên một cuộc đấu sôi nổi và người tiêu dùng Việt sẽ có lợi hơn.
Nhà bán lẻ nước ngoài mở rộng kinh doanh tại Việt Nam |
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty The Pathfinder (công ty tư vấn các giải pháp đổi mới & phát triển tài sản vô hình cho DN) cho biết, từ năm 2017 này, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước sẽ tăng cả chất và lượng để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Bởi thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và hứa hẹn tiềm năng phát triển tốt cho DN.
Ngoài ra, từ năm 2016 Chính phủ Việt Nam đã cho phép DN sản xuất kinh doanh mở thêm cửa hàng dưới 500m2 không cần xin giấy phép đã tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng hệ thống phân phối.
Vì vậy các nhà bán lẻ đang theo đuổi chiến lược giành sân dựa vào các loại hình bán lẻ đa dạng như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, trung tâm phân phối hay đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay đến cả cửa hàng tạp hóa nâng cấp (như Co.op Smile của Saigon Co.op).
DN bán lẻ không chỉ đa dạng hóa theo chiều ngang (bằng mô hình bán lẻ khác nhau) mà còn kết hợp chiều dọc bằng đầu tư vào các DN cung ứng ngành hàng quan trọng (thực phẩm, nông nghiệp) kể cả việc tăng mạnh nhãn hàng riêng của siêu thị để chủ động kiểm soát nguồn cung về chất lượng, giá cả, lợi nhuận…
Các nhà bán lẻ tại Việt Nam cạnh tranh mức độ ngày càng cao không chỉ bằng quy mô nguồn lực tài chính, vị trí mặt bằng mà còn cả chiến lược dài hơi và mô hình kinh doanh mới, với các yếu tố quan trọng để người tiêu dùng quyết định mua hàng là sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm mua sắm và công nghệ giúp việc mua bán nhanh chóng dễ dàng.
Cụ thể như siêu thị ngoại luôn kinh doanh nhiều hơn siêu thị nội số lượng hàng hóa (từ 40.000 - 50.000 mặt hàng/siêu thị ngoại và 25.000 - 30.000 mặt hàng/siêu thị nội). Trong thực tế có thể thấy các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… thời gian qua đã chứng tỏ năng lực vượt trội về chuyên môn, về định vị mô hình kinh doanh, thiết kế, trưng bày, quảng bá hàng hóa tại điểm bán thậm chí quản lý quan hệ khách hàng rất tốt, đã thu hút và gia tăng thị phần bán lẻ và DN ngoại đang chiếm đến 59% thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Kế hoạch của các DN bán lẻ như Lotte, Saigon Co.op, VinGroup, Aeon… là tiếp tục tăng đầu tư mở rộng mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh kể cả cửa hàng tạp hóa nhằm ngăn chặn sự xâm nhập mạnh mẽ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên và đối thủ mới như Seven Eleven (Nhật Bản). Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với nhiều tiềm năng phát triển cho DN trong và ngoài nước.
Vì vậy, DN bán lẻ đều tập trung phát triển theo chuỗi để tăng sức mạnh thương hiệu trên thị trường và đang hình thành xu hướng chuỗi cửa hàng thương hiệu theo mô hình một chủ sở hữu (chuỗi cửa hàng Co.op Smile của Saigon Co.op) hay chuỗi cửa hàng chuyên doanh thời trang, điện máy, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp…
Ngoài ra, xu hướng phát triển kênh thương mại hiện đại còn thúc đẩy làn sóng hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống bằng việc đổi mới định vị thương hiệu, phong cách trưng bày, dịch vụ khách hàng. Song song đó là sự ra đời của hàng loạt cửa hàng chuyên rau quả sạch, nông sản sạch phát triển nhanh chóng là sự thể hiện xu hướng hiện đại hóa kênh phân phối này.
Điều này đang đặt ra thách thức cho kênh bán lẻ truyền thống, cũng là sức ép buộc các cửa hàng nhỏ lẻ phải thay đổi, cải tiến hình ảnh chất lượng phục vụ, kể cả khả năng quản lý cửa hàng theo hướng áp dụng công nghệ bán lẻ hiện đại hơn.
Sẽ không dừng lại, thị trường bán lẻ Việt Nam sắp tới còn cạnh tranh gay gắt hơn. Bởi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì hàng hóa nhập khẩu sẽ được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018. Các DN bán lẻ nước ngoài sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác thị trường nhằm mục đích đưa hàng từ nước họ vào Việt Nam.