Bán lẻ trực tuyến “lên ngôi”
Vui buồn buôn bán online | |
Lời khuyên để mua sắm trực tuyến an toàn |
Hơn một năm trở lại đây, anh Hoàng Thọ Vương (cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi có dự định mua quần áo, hàng gia dụng, đồ điện tử đều lên mạng tìm hiểu và mua online, thay cho việc đến cửa hàng lựa chọn như trước.
“Lựa hàng trên mạng vừa thuận tiện, sản phẩm đa dạng, lại có thể so sánh giá cả giữa các nơi bán với nhau, hàng còn được chuyển đến tận nhà vào thời gian phù hợp nên những người có ít thời gian như tôi rất thích mua hàng trực tuyến”, anh Vương cho biết.
Mạng xã hội Facebook đang là kênh bán hàng khá hiệu quả |
Rất nhiều người tiêu dùng Việt như anh Vương đã bắt đầu hình thành thói quen mua sắm qua mạng. Theo kết quả điều tra từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu từ bán lẻ trực tuyến năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, chiếm khoảng 3,57% trong tổng doanh thu bán lẻ của cả nước. Các hình thức mua sắm qua mạng cũng rất đa dạng. Mua hàng trực tiếp từ các website bán hàng hóa/dịch vụ như Lazada, Lingo, là hình thức phổ biến nhất.
Cơ hội phát triển lớn khiến cho nhiều DN bán lẻ cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Một số DN đi lên từ chuỗi cửa hàng bán lẻ thì nay cũng đã đầu tư mạnh cho bán hàng trực tuyến. Tiêu biểu cho những DN thành công là FPT, Hapro, Vingroup, Viettel, Nguyễn Kim...
Đại diện FPT Shop cho biết, với những thành công của thương mại điện tử đã góp phần tăng doanh thu nên trong 2017 đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia vào thị trường này.
Là một trong những DN có hoạt động kinh doanh mảng trực tuyến sớm và đạt kết quả tốt, trong năm 2015, doanh thu của FPT Shop riêng về mảng thương mại điện tử đạt 568 tỷ đồng và năm 2016 đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đại diện DN cho biết đang chuẩn bị các hướng đi cho tương lai và đặc biệt quan tâm đến kinh doanh trực tuyến nhằm khai thác lợi thế của công nghệ cũng như mở rộng nhiều đối tượng khách hàng.
Tương tự, CTCP Thế giới di động cũng đã đạt doanh thu ấn tượng từ mảng kinh doanh trực tuyến. Năm 2015 doanh thu bán hàng online của Thế giới di động đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước (năm 2014 đạt 925 tỷ đồng) và trong năm 2016, doanh thu đã đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Thị trường bán lẻ trực tuyến không chỉ là mảnh đất màu mỡ cho các DN trong nước, mà nhiều các DN, tập đoàn lớn trên thế giới cũng rất quan tâm. Điển hình là một số tập đoàn lớn đã dần mở rộng hoạt động và thâu tóm các sàn thương mại có thương hiệu của Việt Nam. Năm 2016, Lazada được chuyển nhượng cho tập đoàn bán lẻ Alibaba với giá 1 tỷ USD. Còn Central Group (Thái Lan) mua Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim... Điều này cho thấy sức hút từ thương mại trực tuyến là rất lớn.
Một khảo sát của của Nielsen cho thấy, các nhà bán lẻ truyền thống đang mở rộng sự hiện diện của họ trên các kênh trực tuyến. Đặc biệt đặt hàng trực tuyến để giao đến tận nhà đã trở thành mô hình truyền thống cho thương mại kết nối, nó vẫn là loại hình chuyển phát được ưa chuộng nhất khi 80% người tiêu dùng Việt Nam nói rằng họ đã sử dụng hoặc sẵn sàng để sử dụng dịch vụ này.
Nhưng đáng chú ý là thị trường bán lẻ trực tuyến không chỉ là nơi để các DN cày xới mà nhiều cá nhân cũng tham gia tích cực. Các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Pinterest, Twitter đang là nơi được nhiều cá nhân sử dụng để quảng bá sản phẩm nhất. Đồng thời, đây cũng là kênh bán hàng hết sức hiệu quả. Số người dùng diễn đàn mạng xã hội như Facebook để mua sắm cũng tăng từ 45% vào năm 2013 lên 53% năm 2014 và chiếm tới 68% trong năm 2015…
Các chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng nhận định rằng, trong năm 2017 và những năm tới doanh thu từ bán lẻ trực tuyến sẽ tăng mạnh, đồng thời các DN cũng tận dụng lợi thế của công nghệ để phát triển. Ước tính quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến tăng trung bình 20-30% mỗi năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 20% tổng quy mô thị trường bán lẻ tiêu dùng.