Năm mới bàn chuyện logic phát triển mới
Nhiều tháo gỡ để phát triển | |
Mặt trái của quá trình phát triển | |
Chu kỳ mới phát triển bền vững |
Năm 2016 có thể nói là một năm ghi nhận Chính phủ mới đã thành công khi đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn và đạt kết quả tích cực, xác lập vững chắc niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy khí thế và kỳ vọng cải cách mới. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự thay đổi để vượt qua thách thức chớp lấy cơ hội mà thời cuộc đang đặt ra cho Việt Nam.
Nhân đầu năm mới, PV Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Chính phủ và Thủ tướng đã có một năm miệt mài, quyết liệt hành động. Ông thấy đâu là hành động ấn tượng nhất?
PGS.TS.Trần Đình Thiên |
Hành động ấn tượng nhất, theo tôi, đó là dù đã thấy rõ khả năng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu 6,7% nhưng Chính phủ đã không đề nghị Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng. Trong lịch sử điều hành Chính phủ các thời kỳ, chưa có Thủ tướng nào đã làm như vậy.
Năm vừa rồi không đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn yêu cầu các thành viên Chính phủ và các cấp, các ngành không được chùn bước trước khó khăn, thách thức. Trái lại, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, tập trung là hỗ trợ, khắc phục và phục hồi sản xuất, đời sống sinh hoạt cho người dân. Thủ tướng cũng tuyên bố Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo các quyết sách điều hành để đem lại hiệu ứng tích cực trong năm 2016.
Việc không đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng cho thấy tư duy “không theo chủ nghĩa thành tích ngắn hạn”, một dấu hiệu cho kỳ vọng Việt Nam đã thoát khỏi kiểu lao vào cuộc đua nhưng cứ vừa chạy vừa tự nhìn xuống chân mình để tự cho rằng mình đã tiến lên mà không thấy ta vẫn cứ chạy sau các nước khác.
Đây cũng là dấu hiệu thoát khỏi cách thức lâu nay: Cứ từng kỳ họp của Chính phủ, của Quốc hội là Chính phủ báo cáo những việc làm được, những việc chưa làm được bởi những khó khăn thách thức khách quan lẫn những tồn tại chủ quan và khả năng đạt được tăng trưởng đến đâu để rồi “bám sát thực tiễn linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng”.
Cuối năm nhìn lại chỉ thấy “khó khăn nhiều thế nhưng đã nỗ lực vượt qua và đã đạt mục tiêu (đã được điều chỉnh) đặt ra”… Thế nên cho dù tăng trưởng có giảm sút thì vẫn là “hoàn thành nhiệm vụ”.
Để thúc tăng trưởng hiệu quả và bền vững, vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô |
Ông đã từng nói năm 2016 là năm khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới, nhưng kết thúc năm, kết quả tích cực của năm 2016 đã được Quốc hội và nhân dân cả nước ghi nhận, đặt trong bối cảnh đất nước ta đối mặt những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2017 sẽ ra sao, theo ông?
Năm 2017 khó khăn không hề vơi đi. Kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, nhất là biến động khó lường của giá dầu, xu hướng tăng bảo hộ thương mại (việc phê chuẩn Hiệp định TPP gặp trở ngại)… tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại mới nhưng các đối tác như EU, Hàn Quốc, Mỹ… đều đã có những xáo động lớn về chính trị và kinh tế, thế giới sẽ đối mặt với nhiều yếu tố bất định trong năm 2017 với bất ổn chính trị trong đó có bất ổn do sự kiện Brexit và những thay đổi chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, các nền kinh tế phát triển rơi vào bẫy lạm phát thấp; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nợ và nợ xấu tăng cao…
Trong nước thì xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, nợ công cao, dư địa chính sách hạn hẹp. Nợ công tăng nhanh, sức ép trả nợ lớn, trong khi Chính phủ cần có nhiều nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế sâu rộng, tạo động lực mới cho phát triển. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khó khăn. Đặc biệt, nhiều dự báo cho rằng thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khu vực nông nghiệp… Tình thế càng thấy sự cần thiết của một logic phát triển mới.
Vậy logic phát triển mới mà ông nói đến với hàm ý thế nào?
Logic đó là không phải thấy tăng trưởng thấp thì lại thúc tăng trưởng bằng nhiều cách. Logic đó là không phải khi nông nghiệp gặp khó khăn do hạn hán, ngập mặn… thì không phải là đi tìm cách bơm nước cứu hạn là xong. Chuyện hán hạn, ngập mặn nguy hiểm hơn nhiều. Cứ mỗi lần nước mặn dâng lên rút đi nhưng đọng lại một chút, sau nhiều lần như vậy thành ra nước mặn ngày một cao lên. Đã vậy lũ không về, phù sa cũng không xuống được để bồi đắp cho đồng bằng như xưa mà cứ trôi dần theo mỗi lần nước dâng nước rút… Cứ như thế, chả mấy chốc vỡ toàn bộ cấu trúc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hạn hán, ngập mặn, ít lũ là vấn đề cực kỳ lớn, không chỉ ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế người dân mà đến cả những điều kiện cơ bản cũng thay đổi, kéo theo cả vấn đề xã hội nữa. Tính cách của người ĐBSCL là khi điều kiện sống thay đổi, khó ở quê nhà là họ dịch chuyển tìm cơ hội khác, và đã đi là họ đi cả làng… Họ đi đâu cũng là cả một vấn đề cho nơi đó.
Trong khi logic phát triển khu vực này vẫn là logic cũ với cách nhìn vào những lợi thế cũ. Vì vậy, cần phải có logic phát triển mới, đó là cần phải trông vào lực lượng DN, vào kinh tế tư nhân nhưng không phải là một lực lượng DN đông nhưng li ti như cám.
Chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó khăn, nhưng không thể đòi hỏi kết quả tức thời mà phải kiên trì để hướng đến sự bền vững |
Vì sao kinh tế tư nhân vẫn bé li ti như hiện nay, thưa ông?
Theo số liệu của VCCI, 70% số DN Việt Nam được hình thành từ hộ kinh doanh cá thể. Như vậy DN sinh ra đã nhỏ bé. Đã nhỏ bé nhưng lại khó lớn bởi thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện là một cản trở với kinh tế tư nhân.
Tầm nhìn chúng ta có vấn đề, tiếp cận vấn đề về cạnh tranh chưa chuẩn. Hãy xem từ cơ cấu ngành hiện nay, đặc biệt cơ cấu ngành xét về phương diện công nghệ còn thấp kém. Tầm nhìn và tiếp cận chưa chuẩn nên hệ thống khuyến khích cho DN tư nhân cũng chưa được thiết kế đúng.
Nghe ông nói liệu có quá bi quan?
Không bi quan lạc quan gì ở đây, mà khách quan là như thế, quan trọng là trước những thực tế khách quan như thế ta phải xử sự thế nào. Tôi thẳng thắn như vậy để cho thấy áp lực phải thay đổi.
Trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2016, Thủ tướng có nói: “Một câu hỏi lớn đặt ra tại phiên họp này là điều hành năm 2017 làm sao cho hiệu quả và tốt nhất”. Ông có gợi ý nào không, làm thế nào để thúc tăng trưởng?
Phải nhìn rõ những thách thức cũng như cơ hội mà thời cuộc đang đặt ra cho Việt Nam, phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó khăn, nhưng không thể đòi hỏi kết quả tức thời mà phải kiên trì để hướng đến sự bền vững.
Để thúc tăng trưởng hiệu quả và bền vững, vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, phối hợp điều hành vĩ mô tốt hơn, quyết liệt hơn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng và quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.
Nếu Chính phủ cố dốc sức cho tăng trưởng bằng mọi cách, bằng việc đổ vốn vào thì sẽ tổn hại đến vĩ mô, như vậy lại lặp lại câu chuyện 5 năm trước. Về mặt chiến lược như định hướng của Chính phủ là đúng, đó là hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cách làm mang tính chiến lược chứ không phải là hô hào cố đạt thành tích trong ngắn hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!