Mặt trái của quá trình phát triển
Cạnh tranh nhân công thấp để làm gì? | |
Người thu nhập thấp sẽ được vay vốn nhà ở xã hội từ NHCSXH | |
Thu nhập tăng khiến người tiêu dùng Việt chi mạnh tay hơn |
Một ngày bằng 10 năm
Báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam được Tổ chức Oxfam công bố ngày 12/1 cho biết, năm 2014, chỉ 210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam đã có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước, hay ½ GDP của TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu cũng cho thấy, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong 1 ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm.
Hay trong một giờ, người giàu nhất ở Việt Nam có mức thu nhập cao gần gấp 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% người nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị “lề hóa” khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu.
Bất bình đẳng kinh tế khiến nhóm nghèo nhất dễ bị “lề hóa” |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, Việt Nam là một trong những mô hình thành công trong đổi mới kinh tế đi cùng xóa đói giảm nghèo. Tốc độ xoá đói lớn và nhanh so với nhiều nước. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng tăng lên là mặt trái của quá trình phát triển. Điều này thuộc về ba nhân tố chính: Nhà nước, thị trường và xã hội.
Ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, bất bình đẳng là câu chuyện tất yếu mà quốc gia nào cũng gặp phải nhưng để gia tăng tình trạng bất bình đẳng sẽ gây bất ổn xã hội. Ở Việt Nam, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong xoá đói giảm nghèo nhưng thực tế khoảng cách mức sống, điều kiện sống của người dân còn nhiều bất hợp lý, nhất là với dân tộc thiểu số.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay, Quốc hội rất quan tâm, đánh giá khoảng cách các vùng miền và có nhiều quyết sách kinh tế vĩ mô lớn. Như gần đây, Quốc hội quyết về vấn đề ngân sách trung hạn và tỷ lệ được hưởng ở các địa phương. “Địa phương bị cắt giảm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh.
Khi đó có nhiều đại biểu thuyết phục giữ cho ngân sách TP. Hồ Chí Minh nhưng Quốc hội rất sáng suốt, cắt giảm tỷ lệ lớn ngân sách của địa phương này. Tức là Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới khoảng cách giữa các khu vực. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy quyết sách để giải quyết sự khác biệt”, ông Mai nói. Ông cũng cho hay, các chính sách cũng tập trung hỗ trợ các tỉnh khó khăn hay còn được gọi là lõi nghèo.
“Quốc hội, Chính phủ đã tập trung giảm nghèo ở các tỉnh lõi nghèo, miền núi, vùng dân tộc, bãi ngang ven biển. Toàn bộ ngân sách của chương trình 41.400 tỷ đồng thì dành hơn 80% cho các địa bàn này”, ông Thi thông tin thêm. Cũng theo ông Thi, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, trao quyền cho cộng đồng. Điều này sẽ giúp khơi dậy nội lực cộng đồng, giải quyết đặc điểm vùng miền và các nhóm dân cư.
Và câu chuyện của Vân
Nguyễn Thảo Vân (29 tuổi) hiện đang là Chủ tịch và Đồng sáng lập Tổ chức nâng cao năng lực cho người khuyết tật và nghị lực sống. Vân cũng là một người khuyết tật từ khi sinh ra, nên phải ngồi xe lăn. Trong câu chuyện với phóng viên, Vân đề cập tới khía cạnh bất bình đẳng liên quan tới vấn đề kinh tế. Vân kể, một lần đến nhà hàng nhưng lại ăn mặc hơi “quê mùa”. Khi vừa vào sảnh thì có nhân viên chạy ra cho 2000 đồng, sau đó vẫy tay ra ý xua đuổi.
Nhưng cũng chính nhà hàng ấy, trong một lần khác Vân tới, ăn mặc sang trọng hơn, đi cùng một người bạn nước ngoài thì thái độ của nhân viên thay đổi hẳn. “Họ chạy ngay ra đẩy xe lăn giúp Vân rồi nhanh nhẹn xếp bàn giúp nữa. Thái độ thì luôn tỏ ra thân thiện”, Nguyễn Thảo Vân kể và nhận định: “Từ trong đầu họ đã xếp sẵn những người nào có thể ưu tiên, những nhóm người nào có thể mang lại lợi ích thông qua hình thức bề ngoài”.
Câu chuyện thứ hai Vân chia sẻ là khi cô tìm thuê một căn chung cư có giá trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng để ở nhưng thật sự khó khăn. Hầu hết các khu chung cư mà Vân tìm hiểu đều không tạo điều kiện cho người khuyết tật, như các dốc lên xuống ở khu vực có bậc thang quá dốc rất khó cho xe lăn đi lên.
Hay như cửa nhà vệ sinh trong các phòng rất bé, xe lăn không thể đi vào được. “Điều này do có sự phân biệt ngay trong suy nghĩ của người tạo ra công trình. Họ không nghĩ và không tính đến nhóm này vì cho rằng nhóm người khuyết tật không đủ điều kiện kinh tế vào ở trong những công trình như thế”, Vân bất bình.
“Đây không phải chỉ là câu chuyện cá nhân của Vân, mà hàng ngàn người khuyết tật cũng đang gặp phải những điều tương tự. Khoảng cách quá lớn làm giảm cơ hội của các em để có thể độc lập về kinh tế. Rồi chính điều này làm cho các em không được nhìn nhận như những người bình thường”, Vân rút ra kết luận.
Trở lại với chia sẻ của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia này cho rằng, thông thường khi nói về bất bình đẳng kinh tế và các mặt khác, người ta hay đổ nhiều cho cơ chế thị trường. Nhưng ở Việt Nam, đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhà nước cũng có lỗi. Xã hội cũng thế, chưa đủ khả năng đóng góp vào những thay đổi tích cực. Nếu muốn thay đổi thì phải thay đổi cấu trúc ba thành phần này, các trụ cột làm đúng vai trò của mình mới giải quyết được.