Nâng cao chất lượng để tạo cơ hội
Thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu | |
Xuất khẩu bền vững: Cần giải pháp toàn diện | |
Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi lớn để thúc đẩy xuất khẩu |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD. Nhiều thị trường trọng điểm của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao so với năm ngoái, đơn cử như ASEAN tăng 24,2%, Trung Quốc tăng 61,5%, Nhật Bản tăng 14,8%, Hàn Quốc tăng 30%, Úc và New Zealand tăng 16,5%, Chile tăng 24,1%... Tuy nhiên, ông Hải cảnh báo, cùng với kim ngạch tăng cao thì xu hướng bảo hộ hàng hoá cũng gia tăng tại các thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn và truyền thống của Việt Nam.
Trái cây là mặt hàng xuất khẩu còn nhiều tiềm năng |
Thị trường ngày càng khó tính
Đơn cử như thị trường Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng tới 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD. Song, các rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu vào nước này cũng dâng lên cao hơn.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương dẫn chứng, từ đầu năm 2018, tỉnh Quảng Tây bắt đầu đưa ra quy định truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. “Tỉnh này áp dụng quy định khi tỷ lệ nhập khẩu nông sản từ phía Việt Nam chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của họ, vậy liệu các tỉnh khác có đưa ra quy định tương tự không?”, bà Oanh đặt vấn đề.
Trả lời cho câu hỏi này, bà cho rằng cần coi các quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm là đòi hỏi tất yếu để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Các DN xuất khẩu cần sớm thay đổi quan niệm coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, từ đó thay đổi nhận thức về chất lượng sản phẩm để sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Theo Bộ Công thương, hiện nay thị trường Trung Quốc đã trở thành một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, quá trình xem xét mở cửa chính thức tuỳ theo nhu cầu nhập khẩu tại từng thời điểm. Với xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Bộ Công thương, cùng với việc rào cản bảo hộ thương mại gia tăng, công tác mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức khác như sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nhìn chung có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng gia công, thiếu khâu chế biến sâu, chưa có chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường thế giới; sản xuất xuất khẩu vẫn tương đối phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, do đó dễ chịu tác động khi có sự biến động về giá cả và chất lượng của nguồn nguyên phụ liệu này…
Thênh thang mở đường xuất khẩu
Mặc dù đối diện với không ít thách thức trong việc mở rộng thị trường, song cơ hội để các ngành hàng khai phá thêm vùng đất mới cho hàng hoá xuất khẩu cũng không ít. Bởi theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Bên cạnh đó dự báo tăng trưởng từ các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam. Yếu tố khác là môi trường đầu tư kinh doanh trong nước đã liên tục được đổi mới trong thời gian qua thông qua việc cải thiện các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục, chi phí kinh doanh…
Các FTA mà Việt Nam là thành viên trong thời gian tới sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam đều có mức tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.
Trong năm 2017, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ FTA thông qua việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá tiếp tục tăng song vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2017, Bộ Công thương đã cấp hơn 760.000 C/O, trị giá 37,8 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và 24% về giá trị so với năm 2016. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi tại các thị trường có FTA mới đạt khoảng 38%, trong đó một số thị trường có tỷ lệ tận dụng cao nhất như Hàn Quốc 51%, Ấn Độ 48%, Chile 69%, Nhật Bản 35%... nhìn chung cũng cho thấy rất nhiều cơ hội để tận dụng ưu đãi thuế quan, thâm nhập sâu hơn vào thị trường còn đang bị bỏ ngỏ.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, ngay cả các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày… cũng vẫn còn nhiều tiềm năng để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lâu năm. Mặt hàng dệt may có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá nhanh, song vẫn có thể đẩy mạnh hơn nữa nếu DN đầu tư nhiều hơn vào khâu thiết kế mẫu mã, tăng hàm lượng xuất khẩu mặt hàng FOB, ODM, OBM thay vì chỉ gia công như hiện nay để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Để tránh cạnh tranh trực tiếp, DN có thể tìm thị trường ngách để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường.
Tiếp đến là mặt hàng da giày, từ tháng 1/2019, các DN xuất khẩu sản phẩm giày dép sang thị trường EU sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điều kiện rất tốt cho DN mở rộng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này và là mặt hàng hứa hẹn đem lại kim ngạch lớn trong những năm tới. Hay như mặt hàng thép, trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu sản phẩm cuối cùng là tôn mạ, tôn lạnh… Song hiện DN đã đầu tư công nghệ sản xuất có thể chế tạo từ phôi cho đến sản phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng được quy định về hàm lượng xuất xứ. Thép Việt Nam đã có thể chứng minh được sự trung thực trong xuất khẩu, nâng tỷ lệ nội địa hoá để hưởng các ưu đãi.
Bà Lê Hoàng Oanh bổ sung, thị trường khu vực châu Á - châu Phi với 110 quốc gia, vùng lãnh thổ cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn, phù hợp với hàng hoá Việt Nam. Các thị trường trong khu vực này cũng có nhiều FTA được ký kết và đi vào thực thi, sẽ tạo cơ hội cho DN tận dụng ưu đãi và xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, ở khu vực Đông Nam Á cần quan tâm đến thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines; khu vực Bắc Á là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với những mặt hàng lợi thế như nông, thuỷ sản, hoa quả nhiệt đới; khu vực các nước châu Phi là mặt hàng gạo, lương thực thực phẩm…