Thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu
Kinh doanh với một “cú” nhấp chuột | |
Ra mắt Sapo X - nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh | |
Logistics với thương mại điện tử |
Tạo đột phá trong xuất khẩu
Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới và nhiều tập đoàn lớn đổ bộ vào Việt Nam đã có tác động rất lớn đến các DN xuất khẩu trong nước. Theo các chuyên gia, TMĐT hiện nay đang là yếu tố mang tính cách mạng để đột phá xuất khẩu và sẽ giúp ngành xuất khẩu thuận lợi hơn.
Nhiều tập đoàn lớn về TMĐT đã có mặt tại Việt Nam |
Hiện nay, TMĐT đang là xu thế chủ đạo của thương mại toàn cầu. Năm 2017 tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam đạt trên 25% và tốc độ có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo từ 2018-2020. Đến thời điểm này, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực TMĐT đã đầu tư vào Việt Nam như: Alibaba, Tenceni… Đây được cho là cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu trong tiến trình hội nhập và mở rộng thị trường.
TMĐT đã mở ra một lối đi mới cho DN Việt Nam trên con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Ngày càng có nhiều DN xuất khẩu Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn TMĐT. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), rất nhiều DN đã tích cực tận dụng lợi ích của TMĐT trong việc trao đổi, tìm kiếm thông tin. Trong năm 2017, có tới 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn TMĐT và 49% trong đó có website riêng. Theo các chuyên gia, TMĐT giúp các DN nâng cao hiệu quả ở tất cả các khâu từ tiếp thị, xúc tiến thương mại, tới giao dịch và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước khác…
Lợi ích lớn nhất là hỗ trợ DN chủ động tiếp cận người tiêu dùng, khách hàng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, tiết kiệm chi phí và hạn chế các thủ tục rườm rà của xuất khẩu truyền thống.
Có thể thấy, lợi ích của TMĐT đối với hoạt động xuất khẩu của các DN là không nhỏ. Năm 2017, Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là tổ chức do OSB – đại lý chính thức của Alibaba tại Việt Nam cùng các thành viên khác là VPBank, Công ty bảo hiểm PTI và Công ty logistics T&M sáng lập, nhằm tạo ra sự liên kết trực tuyến giữa các DN. Theo đó khi các DN kinh doanh xuất nhập khẩu trở thành thành viên của liên minh VESA, sẽ được hỗ trợ tốt hơn từ tổ hợp TMĐT– logistic – ngân hàng – bảo hiểm, tạo thành một chuỗi hỗ trợ trực tiếp, toàn diện và hiệu quả.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Ông Trần Đình Toản, Chủ tịch VESA cho biết, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và đây cũng là cơ hội cho các DN xuất khẩu tham gia đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn do các DN Việt Nam là DNNVV còn hạn chế về vốn, công nghệ, hạ tầng nên việc tham gia TMĐT chưa được như mong muốn. Sau 6 tháng thành lập, đã có hơn 200 DN tham gia vào liên minh hỗ trợ xuất khẩu. Theo VESA, so với số lượng các DN kinh doanh xuất nhập khẩu hiện nay thì đây chỉ là số lượng nhỏ các DN tham gia. Điểm hạn chế của các DNNVV là nguồn lực tài chính và kinh nghiệm chưa nhiều, việc đưa hàng lên các sàn TMĐT đặt ra không ít khó khăn.
Đầu năm 2018, Amazon cũng đã chính thức khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam để hỗ trợ các DNNVV có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ sinh thái của Amazon. Theo đại diện VECOM, Amazon không vào Việt Nam như cách các trang TMĐT khác như Lazada, nghĩa là sẽ không đặt một trang cụ thể ở Việt Nam. Thay vào đó, Amazon sẽ phối hợp với VECOM để đưa chuyên gia, giáo trình vào Việt Nam nhằm hướng dẫn DN Việt Nam cách giao dịch, buôn bán trên Amazon để hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Thông qua chương trình này, các DNNVV của Việt Nam sẽ nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, cũng như xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Đây là cơ hội để các DN xuất khẩu Việt Nam tiếp cận được trang TMĐT hàng đầu thế giới hiện nay. Khi Amazon hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu, DN nên tận dụng cơ hội này để nắm rõ cách thức bán hàng qua các nước. Với kinh nghiệm làm việc được với Amazon, từ đó DN Việt Nam cũng sẽ giao thương quốc tế được qua các trang Alibaba, Ebay, Taobao…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các DN Việt Nam cần nắm lấy cơ hội khi mà TMĐT đang là xu hướng hiện nay. Mục tiêu dài hạn là thông qua TMĐT, các DN xuất khẩu sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để đẩy mạnh xuất khẩu qua ứng dụng TMĐT, Bộ Công thương đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của DN, trong đó có xuất khẩu trực tuyến thông qua TMĐT. Để thúc đẩy các DN xuất khẩu tham gia mạnh mẽ vào TMĐT thì bản thân các DN cần tích cực đầu tư về hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ năng giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ để DN tiếp cận, điều chỉnh chiến lược ứng dụng TMĐT hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trong số hơn 1.500 DNNVV đang tham gia xuất - nhập khẩu, hiện chỉ có 49% DN có websibe về thương mại điện tử, 11% DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% DN thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch TMĐT hoạt động. |