Nên “thả”... thuế với quỹ hưu trí
Chính sách chưa hấp dẫn
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trên thế giới, tổng giá trị tài sản của các nhà đầu tư tổ chức lên tới khoảng 61,7 nghìn tỷ USD, chiếm 97% GDP toàn cầu vào năm 2008, trong đó các quỹ hưu trí tự nguyện chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hệ thống các quỹ hưu trí này không chỉ hỗ trợ sự phát triển của TTCK, mà quan trọng hơn cả, đó là hỗ trợ một hệ thống an sinh xã hội an toàn, hiệu quả để hướng tới một xã hội thịnh vượng. UBCKNN cho biết, hiện đa số các quốc gia đã cải tổ, xây dựng hệ thống an sinh xã hội dựa trên tối thiểu 3 trụ cột, bao gồm: Bảo hiểm hưu trí bắt buộc do Chính phủ quản lý, Bảo hiểm hưu trí bắt buộc do khu vực tư nhân quản lý và Bảo hiểm hưu trí tự nguyện do khu vực tư nhân quản lý.
Nhiều nước có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích quỹ hưu trí tham gia đầu tư trên TTCK
Ở Việt Nam mới chỉ hình thành được trụ cột thứ nhất do cán bộ công nhân viên chức đóng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và do đơn vị này quản lý. Hiện chính sách thuế đang miễn thuế đối với phần đóng góp vào bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và doanh nghiệp. Miễn thuế cho khoản đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Dương Thế Quang - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vina Wealth cho biết, quỹ hưu trí tư nhân hiện nay lại không được hưởng những ưu đãi này. Danh mục thuế gồm 3 phần: đóng góp từ người lao động; lợi nhuận từ đầu tư của quỹ; và trợ cấp hưu trí là trợ cấp sau khi người lao động nghỉ hưu. Trong khi đó, các quỹ này có vai trò an sinh xã hội rất lớn khi nó đảm bảo đời sống tối thiểu cho những thành viên không thuộc diện được đóng bảo hiểm bắt buộc. Ông Dương Thế Quang cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến quỹ hưu trí ở Việt Nam không hấp dẫn, kém phát triển và thị trường tài chính thiếu đi kênh dẫn vốn quan trọng này.
Ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Thành Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán cho rằng, việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội mới là điều rất cần thiết, khi mà hệ thống dựa trên một trụ cột là bảo hiểm xã hội hiện nay đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế. Hệ thống an sinh xã hội không tiên tiến không những ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường tài chính, mà quan trọng hơn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân sau này, nhất là khi xu hướng già hoá dân số sẽ xảy ra ở nước ta trong những năm tới, đặt gánh nặng lên phần trả lương hưu thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, mẫu số chung mô hình các nước là đóng góp từ người sử dụng lao động và người lao động hầu như miễn thuế. Tuy nhiên, về lợi nhuận đầu tư và trợ cấp hưu trí hầu hết các nước có điều kiện bắt buộc người lao động không được nghỉ hưu trước tuổi. Nếu nghỉ hưu trước tuổi, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng như tai nạn lao động, bệnh nặng… sẽ không được miễn thuế mà còn bị hồi tố thuế.
Có nên đánh thuế quỹ hưu trí
Hiện có nhiều tập đoàn với hàng nghìn nhân viên đồng ý đưa quỹ hưu trí vào đầu tư. Nếu Bộ Tài chính có chính sách cho phép các Công ty quản lý quỹ được quản lý nguồn quỹ hưu trí, thì chỉ cần 10% quỹ này cũng đủ kích thích nguồn vốn cho TTCK. (Ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý QĐT Việt Nam) |
Năm 2011, cả nước có 104.518 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN). Gần 10 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. |
Theo mục tiêu tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư trong đề án tái cấu trúc TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt, quỹ hưu trí trong tương lai của Việt Nam sẽ có hai loại là quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung và quỹ hưu trí tự nguyện. Ông Quang cho rằng, thời gian đầu nên miễn thuế tối đa đối với đóng góp của người lao động; đối với lợi nhuận đầu tư cần miễn thuế hoàn toàn. Riêng với chi trả trợ cấp hưu trí sau khi nghỉ hưu sẽ miễn toàn phần nếu nghỉ hưu đúng tuổi và thời gian tham gia lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 10 năm. “Các cơ quan có thẩm quyền nên có chính sách ưu đãi thuế để tạo động lực, khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia chương trình hưu trí trong tương lai. Nếu không có ưu đãi về thuế, các sản phẩm hưu trí trong tương lai sẽ không có sự khác biệt so với công cụ khác như quỹ hỗ tương. Mặt khác khi quỹ này lại chứa đựng những hạn chế về đầu tư, một số tài sản và số tiền không được phép rút ra trước khi nghỉ hưu… sẽ không khuyến khích được thành viên tham gia” – ông Quang đề xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - ông Phạm Đình Thi phân vân, nếu miễn thuế tất cả có nghĩa là chúng ta đang tiến tới một đất nước không còn thuế. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay thu nhập từ tiền lương chúng ta vẫn đang đánh thuế TNCN thì đề xuất miễn thuế này có hợp lý hay không? TS. Nguyễn Thành Long đưa quan điểm đối với quỹ hưu trí tự nguyện không nên được miễn thuế hoàn toàn. Bởi nhằm tránh hiện tượng trốn thuế, bao giờ các nước cũng đặt ra một mức kép. Ví dụ, người ta tính toán rằng, người lao động có thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì chỉ có thể đóng góp tối đa 20 triệu đồng/tháng vào quỹ hưu trí tự nguyện. Số tiền 20 triệu đó, cơ quan thuế sẽ chiết trừ từ thu nhập trước thuế. Nhưng nếu, người lao động đóng góp 30 triệu đồng, thì 10 triệu đồng sau sẽ là thu nhập chịu thuế. Đây là câu chuyện mà cơ quan quản lý thuế sẽ phải cân nhắc và xem xét trên thông lệ quốc tế để có chính sách thuế tốt nhất.
Không nên đề nghị miễn thuế nhiều quá Các DN bao giờ cũng đề nghị miễn thuế, còn Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan thu thuế thì lại nói cần phải xem xét. Và khi nhìn vào NSNN 2012, chúng ta dự kiến thu 740 nghìn tỷ nhưng dự kiến chi đến 852 nghìn tỷ, chưa kể trả nợ. Nếu mọi người biết con số này thì sẽ không tạo áp lực lên Bộ Tài chính. DN không nên đề nghị miễn thuế nhiều quá. Vấn đề là hợp lý hóa chính sách thuế hơn là đề nghị miễn thuế. (Ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Dragon Capital) |
Dương Công Chiến